Một số kết quả và đề xuất trong thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp

(NTO) Từ đầu năm đến nay, Ban Kinh tế-Ngân sách (HĐND tỉnh) đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát tại các sở, ngành và các huyện, thành phố, đặc biệt là giám sát tình hình thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Qua giám sát, Ban Kinh tế-Ngân sách đã báo cáo kết quả với Thường trực HĐND tỉnh, trong đó chỉ ra mặt tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng trong cơ cấu lại ngành Nông nghiệp.

Theo đồng chí Lê Văn Lợi, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND tỉnh, kết quả giám sát cho thấy qua 1 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy, Nghị quyết số 73/2016/NQ-HĐND ngày 19-12-2016 của HĐND tỉnh về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; bước đầu đã tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi; hình thành được các vùng sản xuất tập trung cây công nghiệp, cây ăn trái, vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh; kết cấu hạ tầng được tăng cường, từng bước hoàn thiện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đã góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. So với năm 2013, một số chỉ tiêu chủ yếu đạt cao, đơn cử tỷ lệ hộ nông thôn cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đến năm 2017 đạt 90,5%, tăng 6,5%; giá trị sản xuất bình quân năm 2017 đạt 105 triệu đồng/ha đất, tăng 45 triệu đồng/ha đất; tỷ lệ diện tích được chủ động tưới trong hệ thống thủy lợi đạt 50%, tăng 6%.

Nông dân Thuận Bắc ứng dụng hiệu quả công nghệ tưới tiết kiệm nước
trong sản xuất cây măng tây xanh.

Riêng lĩnh vực trồng trọt, tỉnh đã triển khai thực hiện hiệu quả các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như: Phát triển vùng nguyên liệu nho rượu theo ứng dụng công nghệ kết hợp nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất, với quy mô 22 ha, áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, tưới nhỏ giọt trong điều khiển tự động do Công ty TNHH Ladora Farm Ninh Thuận thực hiện trong năm 2017 tại xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn); xây dựng 44 mô hình tưới tiết kiệm nước với diện tích 355 ha và hiện đang triển khai thực hiện dự án “Xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tăng trưởng xanh” tại xã Phước Tiến (Bác Ái) với quy mô 34,89 ha. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với việc triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, sở, ngành chức năng và các địa phương đã hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển đổi được 1.429,7 ha/1.500 ha, đạt 95,3% kế hoạch, trong đó chuyển đổi bền vững từ đất lúa kém hiệu quả 386,6 ha và các loại đất khác 530 ha từ mô hình kinh tế nông-lâm kết hợp sang trồng các loại cây ăn trái. Đáng chú ý là chủ trương phát triển cánh đồng lớn kết nối doanh nghiệp theo cụm ngành chuỗi giá trị với nông dân trong việc đầu tư giống, vật tư, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm được nhiều nơi thực hiện. Tại thôn Hiếu Lễ, xã Phước Hậu (Ninh Phước), Hợp tác xã Kinh doanh Dịch vụ nông nghiệp Phước Hậu đã thực hiện thành công mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa giống theo quy trình “1 phải, 5 giảm”, năng suất lúa đạt 73,5 tạ/ha, tăng 6,5 tạ/ha so với năng suất bình quân, lợi nhuận bình quân trên 18 triệu đồng/ha. Ở xã Phước Thắng (Bác Ái), nông dân liên kết Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa-Phan Rang sản xuất cánh đồng lớn trồng mía, đã xuống giống được 10 ha. Hiện nay, các doanh nghiệp đang phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát đăng ký kế hoạch trong năm 2018 với 14 cánh đồng lớn (1.424,6 ha) để canh tác bắp, lúa giống và mía.

Bên cạnh kết quả trên, theo Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh, lĩnh vực cơ cấu lại ngành Nông nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu chưa được các địa phương triển khai tích cực, hiệu quả. Việc liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa các cơ sở sản xuất với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm chưa mạnh. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu tác động, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Nhưng điểm chính là do việc tổ chức lại sản xuất-tiêu thụ, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chưa được các cấp, các ngành, các hội, đoàn thể quan tâm đúng mức.

Để khắc phục tồn tại, hạn chế, thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh đề xuất UBND tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10-10-2016 của Tỉnh ủy về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Theo đó, UBND tỉnh triển khai các quy hoạch đã được rà soát, điều chỉnh trong năm 2018; chỉ đạo các địa phương xây dựng các vùng chuyên canh có lợi thế; xây dựng kế hoạch và triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu; nghiên cứu xem xét, bổ sung các cây măng tây xanh, bưởi da xanh, mãng cầu dai, mía, ớt vào danh mục được hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND ngày 17-7-2017 của HĐND tỉnh. Xúc tiến phát triển các mô hình công nghệ cao, công nghệ hữu cơ trong nông nghiệp và đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.