Nâng cao chất lượng y tế cơ sở

Bài 1: Thực trạng tuyến y tế cơ sở

(NTO) Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương; các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và sự nỗ lực của toàn ngành Y tế, những năm qua, mạng lưới y tế ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ta ngày càng phát triển. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân đòi hỏi cần có giải pháp đồng bộ, hiệu quả, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của ngành Y tế trong tình hình mới.

Đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe ban đầu cho người dân, tuy nhiên, hiện nay, năng lực hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra....

Tại huyện vùng cao Bác Ái, nơi có trên 70% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Raglai, đời sống, trình độ dân trí, nhận thức của bà con về phòng, chống dịch còn hạn chế. Vì vậy, việc phát triển, nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở là hết sức quan trọng, không chỉ giúp bà con dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng, mà còn tiết kiệm đáng kể chi phí khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, hệ thống y tế ở đây chỉ đáp ứng một phần so với nhu cầu. Có mặt tại Trạm Y tế xã Phước Thành, theo ghi nhận của chúng tôi, trong một buổi sáng có hơn 10 bệnh nhân đến khám bệnh. Do không có bác sĩ nên nhân viên y tế chỉ khám một số bệnh thông thường, nếu có dấu hiệu nặng hơn một chút sẽ được chuyển lên tuyến trên điều trị. Y sỹ Đạt Gởi, Phó trưởng Trạm Y tế xã Phước Thành cho biết: Trạm có tổng số 6 biên chế, gồm 2 y sĩ, 2 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng và 1 trung cấp dược. Trước đây, Trung tâm Y tế huyện cử bác sĩ luân phiên về khám, điều trị cho bà con, tần suất 1 ngày/tuần. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay không có bác sĩ luân phiên về công tác nên việc khám bệnh do 2 y sĩ của trạm thực hiện. Do không có bác sĩ, việc kê đơn thuốc cũng hạn chế. Một số trang thiết bị y tế được cung cấp nhưng do không có bác sĩ, kỹ thuật viên nên cũng không được sử dụng.

Cán bộ y tế phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) quan tâm
chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh: U.Thu

Được biết, trong số 9 trạm y tế của huyện Bác Ái, hiện còn hai trạm là Trạm Y tế xã Phước Hòa và Trạm y tế xã Phước Tân vẫn chưa đủ chuẩn, thiếu phòng chức năng và đã xuống cấp. Do các trạm không đáp ứng nhu cầu nên nhiều bà con phải đến các trạm khác hoặc đến Trung tâm Y tế huyện để khám bệnh, vừa xa xôi, vừa bất tiện. Chị Katơ Thị Hạnh, thôn Chà Panh, xã Phước Hòa cho biết: Bị cảm sốt thông thường thì đến trạm xin thuốc về uống, chứ bệnh nặng một chút phải xuống huyện hay tỉnh khám mới yên tâm, vừa tốn tiền, mất công đi lại, vất vả lắm....

Không chỉ tại các trạm y tế, tình hình hoạt động của tuyến y tế huyện cũng hết sức khó khăn. Ông Phạm Văn Phán, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bác Ái cho biết: Do điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu nên thời gian qua, Trung tâm chỉ thành lập được Phòng khám Đa khoa. Theo quy định, Phòng khám chỉ được phép cho bệnh nhân lưu trú tối đa 24 giờ; hoạt động khám và điều trị hết sức hạn chế. Các nguồn thu không đủ chi nên không có kinh phí để nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân địa phương.

Không chỉ ở các địa phương nông thôn, miền núi, mà ngay cả trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, một số cơ sở y tế hiện đã xuống cấp, cơ sở vật chất trang thiết bị, nhân lực thiếu thốn chưa đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Điển hình như Trung tâm Y tế thành phố thiếu phòng làm việc; kho Dược chưa đáp ứng tốt yêu cầu; chưa có nơi tiếp nhận riêng biệt giữa bệnh nhân lao, HIV/AIDS... Một số trạm y tế đã xuống cấp và không đủ phòng chức năng...

Mạng lưới y tế cơ sở ở tỉnh ta hiện bao gồm 7 trung tâm y tế huyện, thành phố, thực hiện 2 chức năng phòng bệnh và KCB. Trong 7 Trung tâm có 3 bệnh viện huyện, 7 phòng khám đa khoa khu vực, 1 nhà hộ sinh và 65 Trạm Y tế xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, còn có mạng lưới y tế thôn bao gồm nhân viên y tế thôn, cô đỡ thôn tại các thôn thuộc địa bàn kinh tế- xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Theo đánh giá, phần lớn cơ sở vật chất của các trung tâm y tế đã xuống cấp một phần hoặc không còn phù hợp với chức năng; hệ thống xử lý chất thải hoạt động kém hiệu quả. Một số trạm y tế bị xuống cấp hoặc chưa đủ các phòng chức năng theo quy định. Về trang thiết bị vẫn còn thiếu so với nhu cầu phát triển và chưa đáp ứng được nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân. Nhân lực y tế cơ sở thiếu về số lượng và chưa đầy đủ các chức danh. Nhất là tỷ lệ trạm y tế có biên chế bác sĩ còn thấp nên các trung tâm y tế phải cử bác sĩ luân phiên về khám chữa bệnh. Tuy nhiên, do áp lực công việc tại trung tâm y tế, hơn nữa các trung tâm vẫn đang thiếu bác sĩ nên một số trạm y tế chưa bảo đảm có bác sĩ làm việc ít nhất 2 buổi vào các ngày khác nhau trong tuần theo quy định của Bộ Y tế. Kinh phí hoạt động cũng hết sức khó khăn, không đủ để đầu tư, bảo trì, nâng cấp, bảo dưỡng thiết bị y tế và cơ sở vật chất.

Về chất lượng hoạt động chuyên môn, tại các trạm y tế, do hạn chế về nhân lực, danh mục thuốc dành cho tuyến xã chưa đầy đủ nên chất lượng hoạt động chưa đi vào chiều sâu. Đối với tuyến huyện cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân, tuy nhiên chủ yếu KCB nội khoa, còn các chuyên khoa ngoại, sản, hồi sức tích cực, mắt, tai mũi họng, huyết học truyền máu… chưa phát triển; chưa triển khai được kỹ thuật truyền máu, mổ sinh, mổ ruột thừa tại huyện. Tỷ lệ chuyển tuyến của các trung tâm y tế còn cao, số phụ nữ sinh hằng năm chủ yếu tập trung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chiếm trên 78% tổng số sinh của cả tỉnh...

Trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của nhân dân ngày càng cao, mô hình bệnh tật đang chuyển dần từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường.. ; đây là các bệnh có thể phòng, phát hiện và quản lý sớm trong cộng đồng giúp giảm tỷ lệ mắc, tử vong hoặc di chứng. Việc nâng cao chất lượng phòng bệnh, KCB tại tuyến cơ sở là hết sức cần thiết nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ở gần nơi cư trú, tạo công bằng trong thụ hưởng các dịch vụ y tế, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, cũng như phục vụ phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

-----------------

(mời xem tiếp kỳ sau)

Bài 2: Bảo đảm nhân lực, vật lực cho hoạt động y tế cơ sở