Thuận Bắc đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động

(NTO) Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hướng đi mới của huyện Thuận Bắc nhằm giải quyết việc làm cho lao động (LĐ) địa phương, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc Raglai. Năm nay, huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nên công tác XKLĐ có bước đột phá, vượt chỉ tiêu đề ra.

Với chỉ tiêu tỉnh giao là 10 LĐ, nhưng chỉ mới 6 tháng đầu năm, huyện Thuận Bắc đã đưa 14 LĐ ra nước ngoài làm việc, vượt 40% kế hoạch năm, đây là một tín hiệu đáng mừng. Để có được kết quả trên, huyện đã thực hiện nhiều biện pháp đổi mới phương thức tuyên truyền vận động, từ đó mang lại hiệu quả cao. Từ đầu năm đến nay, ngoài việc tổ chức Hội nghị tư vấn xuất khẩu lao động tại huyện, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với đơn vị tuyển dụng đến từng thôn giới thiệu, trình bày rõ về chính sách ưu đãi, chế độ, lương bổng… tại các thị trường LĐ để người dân hiểu rõ hơn. Trong quá trình tư vấn, khi phát hiện có người quan tâm, đơn vị tuyển dụng và các đoàn thể xã tiếp tục đến từng nhà giải thích rõ ràng hơn mọi thắc mắc, khó khăn, đồng thời vận động người thân gia đình tạo điều kiện cho con em, vợ chồng đi XKLĐ. Nếu họ đồng ý, đơn vị tuyển dụng và địa phương sẽ hướng dẫn làm thủ tục ngay, tránh trường hợp để lâu, có tác động bên ngoài, họ có thể đổi ý.

Trong số 14 người tham gia XKLĐ, đồng bào Raglai chiếm 9 LĐ, đều chọn thị trường Ả-rập Xê-út vì được hỗ trợ chi phí 100%, thời gian làm việc ngắn (2 năm). Trong quá trình vận động, địa phương gặp nhiều khó khăn vì LĐ chủ yếu là nữ đều có gia đình và con cái. Nhưng nhờ tích cực tuyên truyền, người dân nhận thức được đi XKLĐ là nhằm tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống nên đều đi XKLĐ sau khi đăng ký tham gia. Điển hình như trường hợp chị Pi Pô Thị Hồng (32 tuổi, thôn Ma Trai, Phước Chiến), lúc đầu không muốn tham gia vì phải lo cho chồng và con. Được địa phương, đơn vị tuyển dụng đến nhà giải thích rõ lợi ích của việc XKLĐ, động viên chồng, họ hàng, nên chị đồng ý đi làm công việc giúp việc nhà tại Ả-rập Xê-út.

Thực tế cho thấy, có nhiều người đi XKLĐ về đều trả hết nợ, cuộc sống gia đình khá hơn. Trường hợp gia đình ông Lê Thế Phúc, thôn Giác Lan (xã Công Hải) có con đi LĐ thị trường Nhật Bản từ năm 2015 với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Hằng tháng con ông tiết kiệm gửi về 10 triệu đồng, gia đình đã hoàn trả chi phí vay vốn và mua sắm đầy đủ vật dụng trong nhà. Ông chia sẻ Trước khi đi XKLĐ, gia đình và cháu rất lo lắng, về sau khi sang làm việc, nhận tin con thông báo công việc, cuộc sống, chế độ đãi ngộ của công ty tốt, gia đình tôi rất yên tâm. Đến nay, con ông đã trở về địa phương, có được một số vốn để lập gia đình và phát triển kinh tế.

Theo ông Phạm Văn Luyện, Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện: Huyện khuyến khích, tạo mọi cơ hội cho người dân đi XKLĐ để có việc làm, thu nhập, nhất là đồng bào Raglai. Vì vậy, huyện luôn tìm kiếm thị trường phù hợp với năng lực, trình độ của bà con như: Malaysia, Ả-rập Xê-út. Năm nay, công tác XKLĐ huyện có nhiều chuyển biến tích cực, người dân nhận thức được mục đích và ý nghĩa nên tham gia nhiều hơn.

Trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh XKLĐ, huyện đã mở nhiều lớp đào tạo nghề cho người dân, giới thiệu việc làm mới cho 618 LĐ, đạt 68,6% chỉ tiêu giao. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích của việc XKLĐ; các địa phương tổ chức buổi tư vấn về thu nhập, chi phí xuất cảnh, vốn vay... cho người LĐ; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người LĐ để có định hướng cụ thể. Đối với Chi nhánh ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục giúp người lao động được vay vốn nhanh chóng, kịp thời.