Chủ động ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão, lũ năm 2018

(NTO) Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, trong mùa mưa bão, lũ năm 2018, bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện xấp xỉ trung bình nhiều năm và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta. Về thủy văn sẽ xuất hiện mưa lớn tập trung từ tháng 9 trở đi và có khả năng xảy ra từ 2 đến 3 đợt lũ vượt báo động cấp III trên các sông, suối trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, những năm gần đây, diễn biến thời tiết thất thường, thiên tai liên tiếp xảy ra trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trước thực tế đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh đã chủ động triển khai công tác ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của thiên tai gây ra, nhất là tỉnh ta đang bước vào mùa mưa bão, lũ.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết: Với tư tưởng chỉ đạo “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hiệu quả, hạn chế thiệt hại thấp nhất về người và tài sản của Nhà nước và Nhân dân”, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã được củng cố, kiện toàn và xây dựng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3067/KH-PCTT về phòng, chống thiên tai và TKCN trên địa bàn tỉnh năm 2018, trong đó đề ra nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện một cách chi tiết, cụ thể bằng những nhóm công việc trước mắt và lâu dài.

Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương lên kế hoạch chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, TKCN, khắc phục thiên tai để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân và các công trình xung yếu. Các đơn vị, địa phương có kế hoạch sơ tán người dân về các khu vực, địa điểm an toàn với dự kiến sơ tán khoảng 12.737 hộ/48.411 người khi có sự cố thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan tập trung kiểm tra các công trình thủy lợi, hồ, đập, đê điều, các công trình xung yếu để khắc phục sửa chữa các công trình bị hư hỏng trước mùa mưa lũ năm 2018. Chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình hồ thủy lợi và công trình tiêu thoát nước. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ, thực hiện việc vận hành điều tiết nước ở các hồ chứa nước đảm bảo an toàn cho công trình cho vùng hạ du và các kênh; phân công và bố trí người trực 24/24 giờ tại các hồ chứa nước để có phương án điều tiết và xả lũ khi cần thiết. Khi xả lũ các hồ chứa nước, Công ty phải thông báo trước 6 tiếng cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, xã vùng hạ du để thực hiện sơ tán di dời dân kịp thời. Xử lý kịp thời các sự cố, hư hỏng công trình.

Diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018. Ảnh: Kim Thùy

Các xã, phường, thị trấn tiếp tục củng cố, kiện toàn lực lượng xung kích phòng chống thiên tai và TKCN từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội dân quân cơ động, mỗi xã cử khoảng 15 đến 25 người thuộc lực lượng thanh niên tham gia PCTT, riêng lực lượng ứng phó với bão mạnh và siêu bão khoảng 1.000 người tham gia. Để đảm bảo an toàn, nhất là cho trẻ em, người già, tỉnh cũng đã xây dựng xong 7 nhà cộng đồng kết hợp làm trường học, 9 nhà tránh trú bão đa mục tiêu tại các xã, phường thường bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Ngoài ra, khi có lũ, bão xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh sẽ huy động gần 1.000 người, 6 tàu cứu hộ trên biển, xuồng, ca nô, trực thăng của các lực lượng vũ trang trong tỉnh tham gia cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ các địa phương...

Đối với từng địa bàn, lĩnh vực, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng đã khoanh vùng và lên phương án cụ thể đối với những khu vực, địa bàn mục tiêu trọng điểm cần được ưu tiên cứu nạn, cứu hộ kịp thời khi lũ, bão xảy ra. gồm: 14 điểm khi bão đổ bộ; 24 điểm lũ ống, lũ quét; 5 khu vực cảnh báo sóng thần; 4 khu vực là các công trình, hồ đập, đê điều và các công trình khác trọng điểm của tỉnh. Tại những khu vực điểm này, ngoài lực lượng 4 tại chỗ, khi có bão, lũ xảy ra, tỉnh sẽ điều động, tăng cường các lực lượng để hỗ trợ, ứng phó hiệu quả. Riêng đối với tuyến biển, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 39/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-UBND của UBND tỉnh về việc bảo đảm an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển khi có lũ, bão xảy ra. UBND các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc, Thuận Nam và Tp Phan Rang-Tháp Chàm chuẩn bị các phương án di dời dân ở những vùng xung yếu khi có bão tố, nước dâng, sóng thần...