Nỗ lực giảm nghèo ở xã Phước Hòa

(NTO) Là một xã vùng cao của huyện miền núi Bác Ái, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống kinh tế của Phước Hòa vẫn gặp không ít khó khăn. Do vậy, những năm qua, xã đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để từng bước xóa đói, giảm nghèo.

Toàn xã có 412 hộ, với 1.804 nhân khẩu, trong đó đồng bào Raglai chiếm 92%, cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ, lẻ nên thu nhập bấp bênh. Theo đồng chí Katơr Tám, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa: Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương còn khá cao chiếm 41,2%. Ngoài chính sách hỗ trợ theo Chương trình 30a, trong những năm qua, cấp ủy và chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, từ đó thay thế các loại cây trồng, con giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, năng suất sản phẩm làm ra. Từ sự nỗ lực của địa phương, người dân đã dần thay đổi trồng lúa, bắp rẫy sang cây lúa nước, bắp lai, bắp nếp mới, đồng thời tăng cường xây dựng các mô hình chăn nuôi như: nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản… mang lại hiệu quả kinh tế khá, nhờ vậy, đời sống nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Cán bộ nông nghiệp xã Phước Hòa đến thăm ruộng bắp lai của gia đình chị Katơr Thị Nhung.

Minh chứng cụ thể cho việc thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp của bà con địa phương là dọc tuyến tỉnh lộ 707 nối xã Phước Hòa và xã Phước Bình, từ những mảnh đất khô cằn chuyên trồng lúa, bắp rẫy kém năng suất được bà con thay thế bằng những cánh đồng lúa nước, bắp lai, mỳ xanh mướt. Đồng chí Báo Văn Tâm, cán bộ nông nghiệp xã Phước Hòa cho biết: Để thay đổi tập quán sản xuất cũ của bà con, địa phương đã có nhiều giải pháp cụ thể như: tập huấn kỹ thuật sản xuất, đưa cán bộ cùng làm với bà con, hỗ trợ giống cây trồng… Tính đến nay, người dân địa phương đã chuyển đổi sang cây lúa nước đạt 94 ha, diện tích bắp lai, bắp nếp gần 400 ha, trung bình hằng năm trồng được từ 2-3 vụ, bên cạnh đó, nông dân còn tận dụng thời gian, luân phiên các cây họ đậu và khoai để cải tạo đất và tăng thêm thu nhập. Chị Katơr Thị Nhung, thôn Chà Panh là một trong những hộ dân đầu tiên của địa phương đưa giống bắp lai MX10 về trồng trên diện tích 1 ha, nhờ sự cần cù và hiệu quả kinh tế cây trồng mang lại, đến nay gia đình đã thoát khỏi hộ nghèo. Chị chia sẻ: Nếu như trước đây, phải mất hơn 6 tháng trồng bắp rẫy mới cho thu hoạch, thì bây giờ với giống bắp lai, gia đình chỉ mất 3 tháng chăm sóc là đã cho thu hoạch, với năng suất đạt 5,5 tấn/ha. Sau đó, mình tận dụng thân và lá bắp dùng làm thức ăn cho gia súc, nhờ vậy, thu nhập gia đình tăng lên đáng kể.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giảm nghèo, địa phương đẩy mạnh hỗ trợ nhiều hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, từ đó tạo động lực giúp nhân dân vươn lên thoát nghèo. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm, Hội Phụ nữ và Hội Nông dân xã đã giúp 110 hộ tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bác Ái với số vốn hơn gần 3,2 tỷ đồng để đầu tư cây giống, vật nuôi, mở rộng các mô hình làm ăn kinh tế. Song song đó, địa phương thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo bền vững như: hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm y tế, cây giống, vật nuôi, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… chính vì thế, bộ mặt địa phương có nhiều khởi sắc, đời sống các hộ nghèo được cải thiện rõ rệt.

Với những giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn của địa phương, tin rằng công tác giảm nghèo ở xã Phước Hòa sẽ đạt kết quả cao hơn nữa, góp phần đem lại cuộc sống no ấm, ổn định cho người dân địa phương.