Cần sớm hỗ trợ cho người dân do ảnh hưởng tác động thi công dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh

(NTO) Hơn 3 năm qua, hàng nghìn hộ dân tại tỉnh gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng yêu cầu đền bù, hỗ trợ nhà ở bị hư hỏng, sụt lún, nứt vách… do các nhà thầu thi công nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Ninh Thuận gây ra. Thế nhưng đến nay, người dân vẫn chưa được giải quyết?

Ngay từ khi tổ chức thi công tuyến quốc lộ 1A đoạn đi ngang qua tỉnh cho đến khi tuyến đường hoàn thành, đưa vào sử dụng vào tháng 5-2015, thì cũng là lúc người dân tại tỉnh liên tục gửi đơn kêu cứu nhiều nơi. Ông Trương Văn Trị, ở thôn Lương Cách, xã Hộ Hải (Ninh Hải) chỉ tay vào nhiều đoạn nứt kéo dài trên các vách nhà, bức xúc, nói: Căn nhà bị nứt nhiều chỗ, không biết sập đổ lúc nào, nên gia đình tôi không dám ở, phải di chuyển lên nương rẫy ở mấy năm nay, ngày đêm trông chờ được hỗ trợ thiệt hại để sửa chữa nhà, nhưng chưa được.

Cạnh đó, bà Huỳnh Thị Lành, chia sẻ: Bây giờ chỉ còn cách đập dở hết rồi xây lại nhà mới thôi, chứ chấp vá các vách sẽ lại tiếp tục nứt, vì chân đất yếu và bị lún rất nhiều làm cho kiền nhà cũ dần bị sập ngày càng nhiều, không còn khả năng để chống chịu được trọng lượng cả căn nhà đè xuống. Rất mong các cấp, các ngành sớm đền bù để chúng tôi được an cư.

Nhà bà Huỳnh Thị Lành xuất hiện nhiều vết nứt lớn do tác động
từ việc thi công nâng cấp, mở rộng tuyên quốc lộ 1A.

Mấy năm qua, từ khiếu nại và ý kiến của người dân qua các đợt tiếp xúc cử tri từ cấp xã đến tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp kiểm tra hiện trạng, đánh giá mức độ thiệt hại để báo cáo UBND tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét, giải quyết. Tháng 7-2017, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 7084/VPCP-KTTH về việc bồi thường nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án nâng cấp, mở rộng QL 1A đoạn từ Thanh Hoá đến Cần Thơ. Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo, giao cho Bộ Giao thông vận tải thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng của dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn từ Thanh Hoá đến Cần Thơ (khoản nằm ngoài phần thuộc trách nhiệm do bảo hiểm chi trả) để bồi thường thiệt hại nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng dự án.

Riêng, dự án đầu tư theo hình thức BOT, Bộ Giao thông vận tải thống nhất với chủ đầu tư các dự án này về kinh phí để bồi thường thiệt hại về nhà ở, công trình nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bị ảnh hưởng do quá trình thi công xây dựng các dự án. Thế nhưng cho đến nay, hàng nghìn hộ dân tại Ninh Thuận vẫn chưa được hỗ trợ thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Quế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Vấn đề nhà ở của người dân bị nứt, hư hỏng nằm trong dự án mở rộng tuyến quốc lộ 1A, đơn vị đã phối hợp với các ngành, địa phương rà soát lại toàn bộ và hoàn thiện tất cả các hồ sơ, báo cáo với UBND tỉnh xem xét, phê duyệt, đề xuất kinh phí hỗ trợ cho bà con sửa chữa lại nhà. Hiện tại, UBND tỉnh có báo cáo với các cơ quan Trung ương liên quan và đợi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kinh phí, làm cơ sở cho địa phương triển khai việc hỗ trợ cho người dân sửa chữa nhà, ổn định đời sống.

Theo thống kê của Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, toàn tỉnh có 1.314 căn nhà nằm ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng của dự án bị nứt vách, sụt lún do tác động của việc thi công công trình. Cụ thể, trong giai đoạn 1 được đầu tư từ vốn Trái phiếu Chính phủ trên địa bàn 2 huyện Ninh Phước và Thuận Nam có tổng chiều dài hơn 17 km. Sau khi công trình hoàn thành đã làm 496 căn nhà bị lún, nứt vách, thấm, dột. Đã hỗ trợ thiệt hại cho 110 hộ, với hơn 2,6 tỷ đồng; số hộ còn lại chưa được hỗ trợ. Giai đoạn 2 của dự án được triển khai thực hiện theo hình thức BOT do Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận làm chủ đầu tư thi công tuyến đường dài gần 37 km ngang qua các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước và Thuận Nam, làm tăng thêm 818 căn nhà bị hư hỏng do nhà thầu thi công đào đất, xây cầu với khối lượng đào đắp lớn. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành 5 quyết định phê duyệt chi phí hơn 3,5 tỉ đồng để sửa chữa nhà cho 318 hộ. Còn lại 500 hộ, Hội đồng thẩm định tỉnh đã thẩm định thiệt hại, dự kiến số tiền hỗ trợ hơn 4,5 tỉ đồng, đang trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt chi phí hỗ trợ.

Mùa mưa bão đang đến gần, tuy nhiên hàng nghìn hộ dân tại tỉnh đang phải sống trong những căn nhà bị nứt vách, sụp lún nghiêm trọng, nếu không được sửa chữa kịp thời, e rằng khó tránh khỏi nhiều căn nhà sẽ bị sụp đổ bất kỳ lúc nào. Mong rằng, các ngành, địa phương và đơn vị chủ đầu tư liên quan cần sớm khắc phục, hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân sửa chữa lại nhà ở để bà con sớm ổn định chỗ ở, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản trong mưa bão sắp đến.