Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Bài 1: Những chuyển biến tích cực từ nâng cao năng lực cạnh tranh

(NTO) Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đang được tỉnh ta nỗ lực thực hiện, coi đây là “chìa khoá” để cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực mạnh mẽ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Chỉ số năng lực cạnh tranh là thước đo quan trọng để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền. Từ việc cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh đã tạo những chuyển biến về môi trường kinh doanh, tác động đến thu hút đầu tư của tỉnh.

Nỗ lực nâng cao chỉ số PCI

Theo kết quả đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2017 kết quả chỉ số PCI của tỉnh đạt 61,60 điểm xếp hàng 38/63, tăng 4,41 điểm và tăng 11 bậc so với năm 2016 là một trong những tỉnh nằm trong nhóm có kết quả điều hành kinh tế trung bình. Qua kết quả đánh giá về 10 chỉ số thành phần PCI, có 7 chỉ số thành phần cải thiện điểm số và tăng thứ hạng gồm: tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của chính quyền, đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; có hai chỉ số thành phần cải thiện về điểm số nhưng giảm về thứ hạng gồm: chỉ số về tiếp cận đất đai và thiết chế pháp lý về an ninh trật tự; có một chỉ số giảm điểm số và giảm thứ hạng đó là chỉ số về gia nhập thị trường (giảm 3 bậc và giảm 0,72 điểm so với năm trước đó và xếp thứ hạng 33/63 trong cả nước).

Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Ninh Thuận đưa dây chuyền hiện đại
vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ảnh: Duy Anh

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Có được sự chuyển biến trên, đó là do trong thời gian qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của địa phương về chỉ số PCI được triển khai khá tích cực theo hướng phân công nhiệm vụ chi tiết cho từng sở, ngành, địa phương, dựa trên các nhiệm vụ cụ thể của 10 chỉ số thành phần PCI; triển khai đồng bộ 8 nhóm giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch về ứng dụng công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đưa vào hoạt động chuyên mục hỏi-đáp trực tuyến, tạo kênh thông tin chính thống để các doanh nghiệp, nhà đầu tư phản ánh, kiến nghị các khó khăn vướng mắc phát sinh, cũng như chủ động cung cấp nhiều thông tin liên quan đến các doanh nghiệp. Đặc biệt, định kỳ tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, đối thoại theo từng chuyên đề. Các đơn vị chức năng tăng cường tổ chức kiểm tra hành chính các đơn vị và duy trì họp giao ban để qua đó chỉ đạo thực hiện các nội dung liên quan đến việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh PCI

Tạo niềm tin, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư

Kết quả trên đã tác động tích cực đến công tác thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; môi trường đầu tư kinh doanh, hoạt động doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng cao. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, sự đa dạng hóa và đổi mới trong công tác đối thoại, hỗ trợ giải quyết các vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp đã tạo môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng thuận lợi. Kết quả, năm 2017, toàn tỉnh đã có 430 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 15.371 tỷ đồng, tăng gấp 8,5 lần so với cùng kỳ. Tỉnh cũng đã cấp mới quyết định chủ trương đầu tư và chủ trương địa điểm cho 73 dự án, với tổng vốn đăng ký là 77.250 tỷ đồng.

Ông Phạm Đồng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, đã có 223 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 5.745 tỷ đồng, tăng 8,8% số doanh nghiệp và tăng 1,5 lần số vốn so cùng kỳ, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh đến nay lên 2.837 doanh nghiệp, với tổng vốn 45.895 tỷ đồng. Công tác thu hút đầu tư các thành phần kinh tế cũng có những chuyển biến tích cực, đứng top 10 trong cả nước về thu hút đầu tư FDI. Trong những tháng đầu năm 2018, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận chủ trương địa điểm 51 dự án, tăng 1,8 lần với tổng vốn 42.887 tỷ đồng, tăng 1,2 lần so với cùng kỳ năm 2017 và cao nhất từ trước đến nay cả về số dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư. Đáng chú ý là đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn chiến lược, có thương hiệu đến tìm hiểu, đăng ký đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế như năng lượng tái tạo, du lịch..., phù hợp với chủ trương đổi mới công tác thu hút, mời gọi đầu tư của tỉnh, trong đó có một số dự án quy mô lớn đang tích cực triển khai thực hiện.

(MỜI XEM TIẾP KỲ SAU)
Bài 2: Khắc phục những tồn tại, hạn chế để nâng cao từng chỉ số thành phần