WEF ASEAN 2018: Phát huy nguồn lực kiều bào trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Kế thừa và phát huy truyền thống coi “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam ta luôn coi trọng việc đoàn kết, tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức. Thực tế đã cho thấy, đội ngũ trí thức, trong đó, các trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, là nguồn lực quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Phát huy nguồn lực trí thức kiều bào để phát triển đất nước

Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay có khoảng 4,5 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có khoảng 400.000 trí thức kiều bào là những nhà khoa học, chuyên gia làm việc tại các trung tâm nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng, các công ty xuyên quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế. Nhiều người trong số họ là các du học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, được chính quyền sở tại và các viện nghiên cứu vinh danh trên lĩnh vực khoa học. Đáng chú ý, rất nhiều trí thức kiều bào đang làm việc trong nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của nước sở tại như công nghệ điện tử, thông tin-viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nanô, năng lượng...

Không chỉ phát triển vững mạnh, có vị thế, vai trò và uy tín nhất định tại nước sở tại, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện đang có những đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển tổ quốc. Cụ thể, hàng năm có khoảng trên dưới một triệu kiều bào về nước thăm thân, du lịch, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch Việt Nam. Lượng kiều hối của bà con gửi về cho quê hương cũng rất lớn, trong 2 năm 2016-2017, lượng kiều hối gửi về đạt hơn 25 tỷ USD. Hiện nay, kiều bào cũng đã tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam với khoảng 3.000 dự án, tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD.

Hàng năm có khoảng 300 lượt trí thức người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu và triển khai khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo. Đặc biệt, trong ba năm gần đây, đánh dấu quá trình hợp tác sôi động với mật độ liên tục, diễn ra trên khắp các lĩnh vực giữa trí thức kiều bào với trong nước qua một số sự kiện tiêu biểu như: Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020; Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài; Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam…

Đội ngũ người Việt Nam ở nước ngoàicũng đã đề xuất nhiều ý tưởng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khởi nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cao, giáo dục, y tế, môi trường... thông qua các sự kiện do chính kiều bào tổ chức. Trong đó phải kể tới sự tham gia của Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) với việc tổ chức một loạt hội thảo chuyên đề về kinh tế số hóa tại Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2017 và đầu năm 2018. Tại các diễn đàn này, nhiều trí thức, doanh nhân kiều bào đã đóng góp ý kiến tâm huyết, gợi mở những giải pháp hữu ích cho Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thông qua chuỗi sự kiện này, lần đầu tiên, đội ngũ trí thức Việt Nam trên toàn cầu đã có sự kết hợp và bắt tay với các trí thức, doanh nghiệp trong nước hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Không chỉ dừng lại ở việc đóng góp những ý tưởng hay đề xuất sáng kiến, kiều bào còn bắt tay thực hiện những dự án hữu ích trong nước, như Dự án “Đồng hồ nước thông minh” của TS Nguyễn Thanh Mỹ, hay Dự án “Đại học kinh tế đẳng cấp quốc tế” của GS Lê Văn Cường... Hay Hội nghị thường niên các nhà khoa học do GS Trần Thanh Vân chủ trì đang tạo được sức lan tỏa và thu hút ngày càng đông đội ngũ trí thức kiều bào tham gia hiến kế, mang lại những tri thức, kiến thức tân tiến và hữu ích cho Việt Nam.

Tạo mọi điều kiện để trí thức kiều bào tham gia phát triển khoa học công nghệ

Trong những năm qua, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn luôn được Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm. Hiện nay Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đang phối hợp với các hội đoàn, các cơ quan trong nước và kiều bào ta thu hút và phát huy nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ của bà con kiều bào. Phải kể đến đó là trong 15 thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 đã có 4 thành viên là kiều bào Việt Nam ở nước ngoài. Hay trong đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam có 17 vị ủy viên là những nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, nhà kinh doanh là Việt kiều…

Việt Nam cũng đã hỗ trợ nhiều hiệp hội, tổ chức (Hội khoa học và chuyên gia toàn cầu có trụ sở tại Pháp, Tổ chức sáng kiến Việt Nam tại Hoa Kỳ...) tổ chức nhiều cuộc hội thảo, diễn đàn về phát triển bền vững, kinh tế số, năng lượng sạch… nhằm nắm bắt, tận dụng những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến, cũng như tạo ra các diễn đàn khởi nghiệp cho thanh niên trong nước.

Nhằm phát huy và thu hút nguồn lực của kiều bào ta ở nước ngoài phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoàicho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông để mời các chuyên gia trí thức việt kiều về dự các diễn đàn. Đây là cơ hội để các nhà khoa học Việt Nam, các nhà trí thức Việt Nam có điều kiện về nước để đóng góp, hiến kế giúp Chính phủ, cũng như nhân dân trong nước để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng tốt đẹp hơn.

Đặc biệt, để tranh thủ và phát huy nguồn lực khoa học công nghệ của kiều bào ta ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đang phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát và chỉnh sửa Nghị định liên quan đến việc thu hút nguồn lực khoa học công nghệ của kiều bào ta ở nước ngoài để phục vụ cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, kiến nghị các bộ, ngành liên quan tạo thuận lợi cho kiều bào về nước đầu tư, kinh doanh mua nhà ở và đóng góp cho đất nước.

Tại cuộc gặp các trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài (tháng 8-2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu “Chủ trương của Chính phủ là tranh thủ tối đa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để giúp chúng ta nâng cao hiệu quả, hiệu suất của nền kinh tế, qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đưa quy mô nền kinh tế cao hơn nữa”.

Khẳng định Chính phủ sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức người Việt ở nước ngoài có điều kiện phát huy kiến thức, kinh nghiệm phát triển đất nước, làm sao kết hợp được trí thức ngoài nước và trong nước, Thủ tướng cho rằng cần tổ chức thường xuyên hơn nữa những hoạt động kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng cũng đã đề nghị các vị thành viên Chính phủ lắng nghe ý kiến của các trí thức, tạo mọi điều kiện để các trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia trực tiếp vào các dự án, chương trình khoa học công nghệ…