Kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930 – 15/10/2018)

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới

(NTO) Nhằm tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, xây dựng lực lượng cách mạng, ngày 15-10-1930, tại Hương Cảng, Trung Quốc, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua luận cương chính trị, điều lệ Đảng và công tác vận động quần chúng, thành lập các Ban Công vận, Ban Nông vận, Ban Thanh vận, Ban Phụ vận, Ban Quân đội vận (địch vận) và Mặt trận phản đế.

Đây là những tổ chức tiền thân đặt nền tảng cho công tác dân vận của Đảng và dân vận của hệ thống chính trị sau này. Ngày 15-10-1949, Bác Hồ viết bài báo “Dân vận” đăng trên báo “Sự thật”, trên cơ sở đó, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) đã quyết định lấy ngày 15-10 hằng năm làm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.

Trải qua 88 năm xây dựng và trưởng thành, công tác dân vận-vận động các tầng lớp nhân dân đã trở thành nhiệm vụ chiến lược, cấp bách của Đảng ta qua các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đối với tỉnh ta, được tái lập từ tháng 4-1992, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tích cực lãnh đạo, điều hành công tác dân vận tỉnh nhà mang lại kết quả đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội. Đặc biệt gần đây, phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị và các lực lượng làm công tác dân vận quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện đã phát huy quyền làm chủ, tính tích cực, chủ động của nhân dân, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Việc thành lập và đi vào hoạt động của Tổ dân vận thôn, khu phố đã từng bước mang lại hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra ở địa phương, giúp giải quyết nhiều vụ việc tại cơ sở khi mới phát sinh, được Nhân dân đồng thuận cao. Việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận, nhất là công tác dân vận chính quyền, thực hiện Quy chế dân chủ đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm triển khai khi giải quyết các vấn đề bức xúc nổi cộm ở cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng và nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để chỉ đạo xử lý. Công tác tổ chức đối thoại trực tiếp với công dân được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm và thực hiện chất lượng, hiệu quả; các chính sách an sinh xã hội triển khai đầy đủ, đảm bảo công khai, minh bạch. Mặt trận và các đoàn thể có nhiều cố gắng trong việc triển khai tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách; nhất là trong việc tập hợp, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; hoạt động có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức, tập trung hướng về cơ sở, quan tâm đến nguyện vọng, bảo vệ, quyền lợi, chính đáng, hợp pháp của Nhân dân. Hệ thống dân vận trong tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo,... góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Nhờ thực hiện tốt cuộc vận động “Dân vận khéo“ nên xã Xuân Hải (Ninh Hải)
đã huy động nhiều nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: V.M

Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong chương trình xây dựng NTM được thực hiện tốt. Các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở đã lựa chọn đăng ký thực hiện các mô hình “Dân vận khéo”, cụ thể trên lĩnh vực kinh tế có 76 tập thể, 15 cá nhân; văn hóa-xã hội có 54 tập thể, 5 cá nhân; quốc phòng-an ninh có 48 tập thể, 4 cá nhân và xây dựng hệ thống chính trị có 39 tập thể, 5 cá nhân. Nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” xuất hiện và trở thành nội dung thi đua gắn kết, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh; được đông đảo các tầng lớp Nhân dân hưởng ứng tham gia; qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thực hành phong cách dân vận cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… sâu sát cơ sở, “gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Qua đóng góp tích cực của phong trào “Dân vận khéo” xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn tỉnh ta từng bước được cải thiện, hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà ở, trường học, y tế...có nhiều đổi mới, tiến bộ hơn so với trước.

Trong thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào thi đua “Dân vận khéo” xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác dân vận trong tình hình mới với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục theo dõi, nắm tình hình việc thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW, ngày 20-10-2015 của Ban Bí thư Trung ương về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 16-11-2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIII ) về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc miền núi tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2016-2020” tại các địa phương trong tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.