Phát triển thủy lợi thích ứng với biến đổi khí hậu

(NTO) Tỉnh ta nằm trong khu vực khô hạn nhất cả nước, mang đặc điểm khí hậu đặc trưng là nắng nóng, gió nhiều, nước bốc hơi nhanh. Để ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), tỉnh đưa ra giải pháp phát triển mạng lưới thủy lợi theo lộ trình từng giai đoạn, nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nhìn lại quá trình nghiên cứu, phát triển mạng lưới thủy lợi từ sau ngày thống nhất đất nước đến nay đạt được kết quả to lớn. Trước năm 1975, trên địa bàn tỉnh chỉ có hệ thống thủy lợi Nha Trinh - Lâm Cấm với nhiệm vụ tưới cho khoảng 10.000 ha, đến nay xây dựng thêm 21 hồ chứa, với tổng thể tích 194,27 triệu m3, năng lực tưới tăng lên 16.692 ha. Kết quả trên, phần lớn nhờ vào tầm nhìn chiến lược của tỉnh trong việc chú trọng xây dựng quy hoạch phát triển thủy lợi; trong đó, đáng kể là Quy hoạch thủy lợi năm 2000 và điều chỉnh năm 2008 đã đề cập đến lĩnh vực tiêu thoát nước, phòng chống lũ, xâm nhập mặn.

Hồ chứa nước Sông Than, công trình thủy lợi trọng điểm của tỉnh đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Kết quả qua 43 năm thực hiện đầu tư phát triển đã hình thành hệ thống các công trình thủy lợi tương đối hoàn chỉnh; trong đó, có hệ thống thủy lợi lớn quan trọng đã phục vụ tích cực cho nhu cầu phát triển nông nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội, phòng chống giảm nhẹ thiên tai nói chung. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc đầu tư các công trình thủy lợi đã góp phần làm cho diện tích canh tác các loại cây trồng chủ lực được mở rộng, sản xuất Nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc. Tuy vậy, hiện nay điều kiện BĐKH ngày càng rõ rệt, nhu cầu dùng nước của các ngành kinh tế, nước phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp có nhiều thay đổi, đòi hỏi lĩnh vực thủy lợi phải có sự điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Xuất phát từ thực tế trên, Công ty TNHH Tư vấn Trường Đại học Thủy lợi đã thực hiện dự án Điều chỉnh quy hoạch thủy lợi tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 thích ứng BĐKH, đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 321/QĐ-UBND ngày 19-9-2018. Quy hoạch lần này được nghiên cứu toàn diện, tổng thể, gồm: Cấp nước cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt nông thôn, tiêu thoát lũ và phòng, chống xâm nhập mặn; đồng thời, đề xuất giải pháp kết nối liên thông các hồ chứa nước, áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước, kiên cố hóa kênh mương nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước. Theo đó, quy hoạch đề xuất kết nối liên thông bằng đường ống đưa nước từ hồ Sông Cái - đập Tân Mỹ về các khu tưới phía Bắc của tỉnh; kết nối lưu thông lưu vực hồ Cho Mo với lưu vực suối Ngang- hồ Phước Trung; lưu vực hồ Tân Giang với hồ Sông Biêu và hồ Suối Lớn. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhìn nhận: Việc liên thông các hồ chứa là rất cần thiết, nhằm điều tiết hài hòa nguồn nước giữa các vùng. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 21 hồ chứa dung tích mỗi hồ từ 1 đến 70 triệu m3, tuy vậy đặc thù các hồ không đủ nước vào mùa khô, nhưng lại xả lũ sớm vào mùa mưa. Thực tế trong quá trình thiết kế, vận hành, do điều kiện khí hậu khô hạn, một số hồ chứa không đảm bảo đáp ứng hết nhu cầu dùng nước. Đơn cử, vùng sản xuất ở khu vực hồ Ông Kinh, hồ Phước Trung, hồ Thành Sơn, hồ Phước Nhơn diện tích canh tác lớn, nhưng nguồn nước tưới hạn chế. Trong khi đó, một số hồ chứa như: Sông Sắt, Trà Tro, Tân Giang…nguồn nước dồi dào, phải xả lũ thường xuyên, nhưng diện tích tưới lại hẹp. Để nâng cao khả năng giảm thiểu và thích ứng với BĐKH, đảm bảo phát triển bền vững lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, việc đề xuất dự án xây dựng công trình kết nối liên thông giữa các hồ chứa để đưa nước từ vùng có nguồn nước dồi dào về vùng khô hạn là cần thiết.

Ngoài giải pháp công trình, điểm đáng chú ý của dự án Điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy lợi lần này còn đề xuất áp dụng tưới tiết kiệm, bố trí lại cơ cấu cây trồng, mùa vụ để tiết kiệm nước. Căn cứ kết quả tính toán cân bằng nguồn nước các tiểu vùng và hiện trạng sản xuất, quy hoạch đề xuất chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa hưởng lợi nguồn nước từ hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu, hồ Thành Sơn, hồ Tà Ranh, hồ Bàu Zôn, hồ Tân Giang, hồ Suối Lớn, hồ CK 7, khoảng 4.700 ha chuyển sang cây trồng cạn. Riêng khu vực thuộc hệ thống đập Sông Pha, đập Nha Trinh - Lâm Cấm giảm diện tích trồng lúa từ 18.600 ha xuống còn 11.000 ha.

Có thể nói, chưa bao giờ công tác tạo nguồn nước lại tỉnh ta được quan tâm như hiện nay, với những giải pháp mang tính đồng bộ nhằm duy trì và điều tiết nước đến vùng khô hạn nhanh chóng sẽ phục vụ đắc lực cho định hướng phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, như: nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, nuôi trồng thủy sản, du lịch.