Hội nghị giới thiệu, quảng bá, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc thù tỉnh năm 2018

(NTO) Ngày 15-11, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị giới thiệu, quảng bá, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đặc thù (SPĐT) tỉnh năm 2018. Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp; thành viên Ban Phát triển các SPĐT tỉnh.

Tỉnh ta có điều kiện tự nhiên thích hợp với những loại cây trồng, vật nuôi đặc thù cho năng suất, chất lượng cao. Để phát triển các SPĐT, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm khai thác hiệu quả giá trị mặt hàng nông sản. Những đặc sản ở các địa phương đều được xây dựng và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để từng bước phát triển trở thành sản phẩm thế mạnh, chủ lực của tỉnh. Tính đến nay, tỉnh đã thực hiện xây dựng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho 20 sản phẩm; trong đó, 2 Chỉ dẫn địa lý và 10 Nhãn hiệu tập thể, 8 Nhãn hiệu chứng nhận. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển các SPĐT sau khi được bảo hộ, Ban Phát triển các SPĐT tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương tiến hành xây dựng, thu nhập thông tin, cơ sở khoa học để chứng minh, đề xuất bộ tiêu chí và xác lập danh mục các SPĐT của tỉnh. Ngày 10-9-2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1493/QĐ-UBND công nhận bộ tiêu chí đánh giá và phê duyệt danh mục 12 giai đoạn 2018-2020; trong đó, nhóm cây trồng 6 sản phẩm (nho, táo, tỏi, nha đam, măng tây xanh, rong sụn), nhóm vật nuôi, gồm 3 sản phẩm (tôm giống, cừu, dê), nhóm làng nghề, có 3 sản phẩm (nước mắm Cà Ná, thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc).

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chứng kiến các doanh nghiệp
và Hợp tác xã nông nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ về kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm đặc thù.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nỗ lực của ngành chức năng, các địa phương trong việc phát huy giá trị các SPĐT; đồng thời, chỉ ra những hạn chế cần sớm khắc phục, như: Công tác lập quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ liên kết sản xuất, hoạt động kết nối “cung- cầu” tiêu thụ sản phẩm triển khai chưa được mạnh mẽ. Để nâng cao giá trị SPĐT, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thời gian tới, đồng chí đề nghị các ngành chức năng phối hợp làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. UBND dân các huyện, thành phố có kế hoạch duy trì, phát triển các SPĐT, liên kết với doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị.

Tại hội nghị, các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ về kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm đặc thù của tỉnh.