Tin thế giới

* Bức tranh nông thôn ảm đạm của khu vực Mỹ Latinh

Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) vừa công bố bản báo cáo mang tên “Bức tranh toàn cảnh về đói nghèo ở nông thôn các nước Mỹ Latinh và Caribe”, trong đó nhấn mạnh tỷ lệ người nghèo ở khu vực nông thôn tại Mỹ Latinh tiếp tục xu hướng tăng và hiện chiếm tới 50% dân số nông thôn, tăng 1,4% so với chỉ số của năm 2016.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, báo cáo chỉ ra rằng trong giai đoạn 1990-2014, tỷ lệ người nghèo ở khu vực nông thôn đã giảm từ 65% xuống 46%. Tuy nhiên, từ năm 2014-2016, chỉ số này đã tăng lên 48,6%, trong đó tỷ lệ người nghèo cùng cực lên đến 22,5%. Thống kê cho thấy trong giai đoạn 2014-2016, số người nghèo ở nông thôn đã tăng hơn 2 triệu người, nâng tổng số người nghèo tại khu vực này lên 59 triệu người và xu hướng này vẫn tiếp tục tăng.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người thiếu ăn tại khu vực Mỹ Latinh vẫn tăng liên tục trong 3 năm qua, với 39,3 triệu người trong năm 2017, tăng 400.000 người so với năm trước đó. FAO đánh giá cuộc chiến chống đói nghèo tại khu vực đã chững lại và không đạt mục tiêu đề ra khi số người thiếu ăn đã tăng thêm 800.000 người trong 3 năm qua.

* Các hãng chế tạo của Hàn Quốc chuyển trọng tâm đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam

Một góc nhà máy của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Các hãng chế tạo của Hàn Quốc đã chuyển trọng tâm đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc sang Việt Nam do những ưu đãi về thuế, giá lao động rẻ hơn và các điều kiện thuận lợi khác.

Theo báo cáo của Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc công bố ngày 22-11, Việt Nam chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Hàn Quốc trong năm 2017, tăng mạnh so với con số 3,7% trong năm 1990. Trong khi đó, số vốn đầu tư vào Trung Quốc đã giảm còn 27,6% trong năm ngoái từ mức 44,5% trong những năm 2000.

Đặc biệt, các hãng chế tạo nhỏ và vừa của Hàn Quốc đã đổ xô tới Việt Nam để đầu tư trực tiếp, rút khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc vào Việt Nam đã vượt Trung Quốc lần đầu tiên năm 2014, với tổng vốn đạt 720 triệu USD năm 2017, so với mức 430 triệu USD vào Trung Quốc.

Vốn đầu tư trực tiếp của các công ty lớn của Hàn Quốc vào Trung Quốc đã suy giảm, song tổng số vốn vẫn gấp 2,7 lần so với vào Việt Nam trong năm ngoái.

Báo cáo cho biết Việt Nam nổi lên như một điểm đến chính của các hãng chế tạo Hàn Quốc do những thay đổi về môi trường kinh doanh và chính sách ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Năm 2008, Trung Quốc áp thuế doanh nghiệp trung bình là 25% đối với cả các công ty trong nước và công ty có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Trung Quốc cũng mở rộng danh sách các sản phẩm mà các công ty có vốn đầu tư nước ngoài bị cấm hay hạn chế sản xuất trong khi lương tối thiểu ở nước này đã tăng mạnh. Trong khi đó, Việt Nam lại miễn thuế doanh nghiệp trong 4 năm đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao có vốn đầu tư nước ngoài và bãi bỏ mức trần đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, lương tối thiểu ở Việt Nam đã giảm một nửa so với ở Trung Quốc - điều được coi như thỏi nam châm hút các công ty nước ngoài