Kết quả Nghiên cứu thúc đẩy công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước trên cây nho

(NTO) Tỉnh ta có điều kiện tự nhiên thích hợp để trồng nho. Với diện tích gần 1.300 ha, sản lượng ước đạt 30.000 tấn/vụ, nho đã trở thành cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Từ định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nghề trồng nho gần đây có sự thay đổi đáng kể, nhiều hộ đưa giống mới vào trồng, kết hợp đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm nước thay thế phương thức tưới xả tràn.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, do tiết kiệm được 30% lượng nước so với tưới truyền thống, giảm nhiều chí phí nhân công, nên mô hình tưới tiết kiệm nước nhanh chóng được nhân rộng từ vài ha năm 2015 lên hàng trăm ha hiện nay. Nhiều hộ sáng tạo lắp đặt hai hệ thống tưới song hành (tưới nhỏ giọt tầm thấp ở gốc và tưới phum mưa tầm cao ở lá) không những cung cấp đủ nước cho cây nho phát triển, mà còn vệ sinh sạch thân, lá, ngăn ngừa mầm bệnh. Nghề trồng nho đang ngày càng phát triển nhờ có sự vào cuộc của ngành chức năng trong việc hỗ trợ nông dân chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Hiện tại, tỉnh đã xây dựng quy trình trồng nho an toàn theo hướng hữu cơ sinh học cho 2 giống nho xanh và nho đỏ và quy hoạch 3 vùng sản xuất nho chất lượng cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích hơn 100ha.

Mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước triển khai thí điểm tại vườn nho
của ông Nguyễn Văn Mọi mang lại hiệu quả cao.

Tuy vậy, hoạt động sản xuất đang gặp khó khăn do thiếu nước, chỉ khoảng 50% diện tích nho toàn tỉnh chủ động nước tưới. Các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm là những vùng trọng điểm sản xuất nho, nhưng đa số diện tích lại không nằm trong khu vực phục vụ tưới từ các công trình thủy lợi lớn. Cùng với biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng sâu sắc, hộ trồng nho đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán xảy ra thường xuyên. Trong hoàn cảnh không được phục vụ từ các công trình thủy lợi, cộng với xu thế suy giảm các nguồn nước, nông dân đã tự đào ao, khoan giếng khai thác nguồn nước ngầm. Vào mùa mưa lũ, hình thức này đáp ứng đủ nhu cầu nước tưới cho cây trồng, tuy nhiên vào mùa khô, tình trạng các giếng đào cạn khô đáy xảy ra rất phổ biến. Xuất phát từ thực tế đó, được sự tài trợ của Vương quốc Bỉ, Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành Nước tỉnh phối hợp với Viện Nước, tưới tiêu và môi trường (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) thực hiện “Nghiên cứu thúc đẩy công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho cây nho ở Ninh Thuận”.

Trong khoảng thời gian hơn 1 năm (kể từ tháng 9-2017), đơn vị tư vấn đã triển khai nhiều hoạt động chứng minh được các vấn đề kỹ thuật cũng như hiệu quả của công nghệ tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho cây nho. Đặc biệt, là nghiên cứu công nghệ tưới nhỏ giọt đã áp dụng rất hiệu quả tại các nước có nền sản xuất nho phát triển để chuyển giao cho nông dân. Qua triển khai 3 mô hình khảo nghiệm chế độ tưới cho 3 khu vực đã được xác định là vườn nho của ông Nguyễn Văn Mọi ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận (Ninh Phước); vườn nho của ông Đỗ Viết Tú ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) và vườn nho của ông Phạm Đức Thạnh ở thôn Mỹ Hòa, xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) đã đưa ra được giải pháp tưới thích hợp. Kết quả khảo nghiệm từ các mô hình, nghiên cứu đề xuất áp dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt rải dây theo hàng song song, áp dụng cho những vườn trồng mật độ cao, địa hình dốc đều; tưới nhỏ giọt quấn gốc, áp dụng cho những vườn có địa hình phức tạp, mật độ trồng theo tiêu chuẩn hàng cách hàng 2,5m, cây cách cây từ 1,5-2m; tưới phun mưa tầm thấp, áp dụng phù hợp với mật độ trồng khác nhau, tuy nhiên chỉ nên lắp đặt tại những khu vực dồi dào về nguồn nước. Sử dụng hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm nước dẫn chất dinh dưỡng từ nguồn nước thông qua máy bơm và cụm điều khiển trung tâm tới các khu tưới để phân phối nước và phân bón cho cây trồng một cách hiệu quả và tiết kiệm. Đồng thời, đề xuất giải pháp trữ nước ở các ao, hồ, bể bê tông vỏ mỏng để ứng phó với hạn hán, nhất là những khu vực không được hưởng lợi từ các cồng trình thủy lợi lớn như xã Nhơn Hải, Thanh Hải, Vĩnh Hải (Ninh Hải).

Tại hội nghị báo cáo kết quả nghiên cứu do UBND tỉnh tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao nghiên cứu được triển khai phù hợp với quy định của Chính phủ Việt Nam và nhà tài trợ, có ý nghĩa thiết thực đối với sản xuất ở những vùng khô hạn. Đề nghị đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục phê duyệt báo cáo cuối cùng. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành liên quan, các địa phương tiếp nhận kết quả nghiên cứu và triển khai thông tin tuyên truyền đến cộng đồng hưởng lợi, khuyến khích nông dân áp dụng rộng rãi vào thực tiễn sản xuất.