Tháo gỡ khó khăn về nhà ở cho người nghèo

(NTO) Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về một số chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg và Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cũng như các chương trình hỗ trợ khác, thời gian qua đã có nhiều hộ dân xóa được nhà tạm, có nhà ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất.

Tuy nhiên, do quá trình xây dựng và sử dụng đã lâu, nên hiện nay tình trạng nhà ở của các hộ dân được hỗ trợ từ các chương trình này đã bị hư hỏng, xuống cấp, việc khắc phục và sửa chữa đang gặp nhiều khó khăn.

Theo số liệu của Ban Dân tộc tỉnh, từ các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo trên địa bàn tỉnh, các địa phương đã thực hiện được 6.884 căn, nhưng qua tổng hợp, rà soát tình trạng nhà ở đã có đến hơn một nửa trong số đó bị xuống cấp hư hỏng, cần được khắc phục sửa chữa. Cụ thể, từ chương trình 134, toàn tỉnh đã xây dựng 3.721 căn nhà tại 6 huyện, trong số đó có 383 căn nhà đã xuống cấp hư hỏng mức độ 2, 3 và 1.592 căn đã xuống cấp hư hỏng mức độ 1 và 2. Bên cạnh đó, từ chương trình xây dựng nhà ở 167, toàn tỉnh đã xây dựng được 2.650 căn, trên địa bàn 4 huyện, nhưng hiện chỉ còn 1.228 căn đang sử dụng tốt, số còn lại có 376 căn đã xuống cấp, hư hỏng ở mức độ 2, 3 và 1.046 căn đã xuống cấp, hư hỏng ở mức 1 và 2.

Nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng, nhiều hộ dân ở huyện Bác Ái đã xây dựng được nhà ở ổn định.

Theo ông Lê Thanh Hùng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, sau hơn 10 năm được Nhà nước hỗ trợ nhà ở cho người dân, đến nay nhiều nhà bị xuống cấp hư hỏng. Trong đó, chủ yếu là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở xã, thôn đặc biệt khó khăn nên không đủ khả năng tự khắc phục, sửa chữa. Một số hộ chưa chủ động, còn trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước, trong khi đó ngân sách địa phương còn khó khăn. Do đó, trong thời gian tới, cần tuyên truyền, vận động sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức, nhà hảo tâm để cùng chung tay, góp sức với người dân sửa chữa lại nhà ở bị hư hỏng. Bên cạnh đó, cần có phương án hỗ trợ từ ngân sách địa phương để thực hiện việc sửa chữa nhà ở cho người dân, nhất là ưu tiên sửa chữa sớm số nhà đã xuống cấp, hư hỏng mức độ nặng (mức 3 và 4).

Theo phương án đề xuất của Ban Dân tộc tỉnh, tổng kinh phí dự kiến thực hiện việc hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho các đối tượng có nhà ở xuống cấp bị hư hỏng hơn 13 tỷ đồng. Trong đó, đối với nhà ở hư hỏng mức độ 3, 4 hỗ trợ từ 8-10 triệu đồng/hộ và hộ có nhà ở xuống cấp ở mức độ 1, 2 hỗ trợ từ 5-8 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, huy động từ cộng đồng, dòng họ và của gia đình để việc sửa chữa các căn nhà bị hư hỏng thêm kiên cố. Đối với nhà ở xuống cấp, hư hỏng thuộc chương trình 167 và các chương trình khác cần giao cho các địa phương sử dụng nguồn ngân sách và các nguồn vận động để hỗ trợ sửa chữa cho người dân.

Nhằm hỗ trợ cho các hộ nghèo khu vực nông thôn đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững và đạt mục tiêu đến cuối năm 2020 hoàn thành đề án hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh cũng đã triển khai kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cho hộ nghèo (giai đoạn 2019-2020), qua đó huy động từ nhiều nguồn vốn để thực hiện; kết hợp giữa Nhà nước và Nhân dân cùng làm, hỗ trợ theo nguyên tắc Nhà nước chủ yếu hỗ trợ theo phương thức cho vay vốn ưu đãi, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định.

Cụ thể với mức hỗ trợ từ Quỹ Vì người nghèo của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh là 5 triệu đồng/hộ; mỗi hộ được vay tối đa 25 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi 3% năm, thời hạn vay là 15 năm. Sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình phải xây dựng được nhà ở mới hoặc sửa chữa nhà ở đang có, đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 24m2. Đối với những hộ độc thân, già cả neo đơn có thể xây dựng nhà diện tích nhỏ hơn, nhưng không dưới 18m2. Theo Đề án được duyệt, số hộ có nhu cầu vay vốn xây dựng nhà ở 1.463 hộ. Trong đó, số đã thực hiện giai đoạn 2016-2018 là 752 hộ, số còn lại 711 hộ sẽ thực hiện giai đoạn 2019-2020, bao gồm: huyện Thuận Bắc 123 hộ, huyện Bác Ái 354 hộ, huyện Ninh Sơn 229 hộ và huyện Thuận Nam 5 hộ. Ước tổng kinh phí thực hiện 28, 5 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng Chính sách xã hội 17,7 tỷ đồng, Quỹ Vì người nghèo của tỉnh hỗ trợ 3,8 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa trên 7 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sẽ được phân kì trong 2 năm 2019-2020. Năm 2019, thực hiện 50% kế hoạch với 355 hộ và năm 2020 thực hiện số còn lại là 356 hộ. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh cũng đã giao trách nhiệm cho các thành viên Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình hỗ trợ về nhà ở trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra, đôn đốc để việc hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng và mục tiêu, yêu cầu, nhằm nâng cao chất lượng nhà ở của các hộ dân. Mặt khác, tạo điều kiện, hướng dẫn cụ thể về hồ sơ thủ tục vay vốn theo quy định, đảm bảo việc vay và thu hồi nợ vay, cũng như huy động tối đa sự hỗ trợ các nguồn lực khác từ cộng đồng.

Với sự hỗ trợ kịp thời, sự chủ động phối hợp thực hiện của các cơ quan chức năng, hộ nghèo khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh sẽ sớm được hỗ trợ kinh phí, nguồn lực để khắc phục, sửa chữa nhà ở ổn định đời sống.