Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin và truyền thông

(NTO) Năm 2018, với sự nỗ lực của toàn ngành thông tin và truyền thông (TT&TT), công tác quản lý nhà nước về thông tin, báo chí, xuất bản tiếp tục đi vào nền nếp, phục vụ đắc lực, kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy  và chính quyền các cấp, ngành. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bưu chính, viễn thông được tăng cường. Lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.

Hoạt động thông tin, báo chí, xuất bản tiếp tục vận động theo đúng định hướng của Đảng và quản lý của Nhà nước. Các cơ quan báo chí, xuất bản đã thông tin, tuyên truyền tốt các chủ trương, giải pháp của tỉnh, sự kiện chính trị lớn của đất nước. Đưa tin chính xác, phản ánh đầy đủ và kịp thời tình hình chính trị, KT-XH, QP-AN của địa phương và công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Cơ chế phối hợp giữa địa phương và các cơ quan báo chí ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Trong năm, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp đưa tin, chỉ đạo kịp thời những vấn đề báo chí phản ánh liên quan đến từng lĩnh vực, ngành và địa phương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành 104 văn bản chỉ đạo, xử lý các vấn đề báo chí phản ánh. Bên cạnh đó, Sở TT&TT cũng đã tiếp nhận 45 văn bản phúc đáp và báo cáo kết quả xử lý của các sở, ngành, địa phương đối với các vấn đề báo chí đưa, nhằm tạo thông tin hai chiều giữa báo chí với địa phương ngày một hiệu quả và khách quan hơn.

Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông quản lý hiệu quả Cổng thông tin điện tử tỉnh.

Trong năm, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh tích cực triển khai các hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT; duy trì mục tiêu thiết lập hệ thống CNTT theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn địa bàn tỉnh. Hoạt động Trung tâm Tích hợp dữ liệu đang được đầu tư theo hướng tập trung, cơ bản đủ cung cấp tất cả dịch vụ cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, cấp xã và đảm bảo vấn đề bảo mật, an toàn an ninh thông tin cho toàn bộ hệ thống. UBND tỉnh ban hành các quy định cần thiết đúng thời điểm như: an toàn, an ninh thông tin, kiến trúc chính quyền điện tử. Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công mức độ 3, một cửa điện tử, văn phòng điện tử... đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC của các cơ, quan đơn vị, nâng cao chỉ số về năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh, cải cách hành chính (CCHC) đồng thời hướng đến Chính quyền điện tử. Xếp hạng ICT index năm 2018, Ninh Thuận xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố cho thấy CNTT đã đi đúng và đóng góp cho việc xây dựng Chính quyền điện tử. CNTT đi vào chiều sâu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính, viễn thông được tăng cường, tạo lập được hành lang pháp lý thông thoáng, cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong toàn ngành phát triển, giải quyết vấn đề lao động cho trên 1.000 lao động, góp phần ổn định an sinh xã hội, doanh thu toàn ngành đạt 565,2 tỷ đồng tăng 8,5% so với năm 2017 góp phần vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh. Các nhà mạng đã đồng loạt triển khai dịch vụ mạng 4G nhằm nâng cao chất lượng phục vụ ngày càng tốt hơn.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động bưu chính, viễn thông được tăng cường
góp phần giúp các công ty viễn thông nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ. Ảnh: Văn Nỷ

Đồng chí Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Năm 2019, ngành TT&TT quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu do UBND tỉnh giao. Theo đó, tăng cường chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá các thế lực thù địch. Đồng thời thực hiện nhiệm vụ theo dõi các thông tin tuyên truyền, giám sát và quản lý chặt hơn đối với các cơ quan báo chí, các hoạt động thông tin của một số trang tin điện tử, mạng xã hội, blog… truyền hình cáp và truyền hình internet. Áp dụng CNTT vào quản lý thông tin báo chí điện tử để làm chủ không gian mạng, nâng cao quản lý nhà nước về báo chí điện tử. Tham mưu cho tỉnh về công tác quy hoạch báo chí.

Triển khai ứng dụng CNTT hướng theo “Kiến trúc chính quyền điện tử” đã được tỉnh ban hành. Duy trì, phát triển có hiệu quả cổng, trang thông tin điện tử của các Sở, ban ngành, UBND thành phố, huyện nhằm đảm bảo cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp. Phối hợp, tập trung triển khai trục liên thông kết nối với Chính phủ; kết nối liên thông chính quyền điện tử 4 cấp từ Chính phủ, tỉnh, huyện và xã đối với phần mềm quản lý văn bản; kết nối hội nghị truyền hình trực tuyến cho các Sở, ngành đạt hiệu quả thiết thực góp phần chung phát triển kinh tế của tỉnh. Tăng xếp hạn của ICT index thứ hạng tỉnh thành.

Tăng cường thực hiện công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng. Tập trung công tác cảnh báo, hỗ trợ các đơn vị trong công tác bảo đảm an toàn thông tin, phòng, chống các nguy cơ mất an toàn thông tin. Ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng viễn thông theo hướng hiện đại. Phát triển thị trường bưu chính cạnh tranh, tăng cường hiện đại hóa để thúc đẩy phát triển các dịch vụ bưu chính phục vụ cho Chính quyển điện tử, thương mại điện tử. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ mới qua mạng bưu chính, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ bưu chính công ích, các dịch vụ bưu chính phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước; triển khai áp dụng Bộ mã Bưu chính quốc gia mới.