Thuận Bắc tập trung phát triển nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

(NTO) Thuận Bắc là huyện trung du miền núi, đời sống nhân dân sống chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, do tập quán canh tác của nông dân địa phương còn lạc hậu, nên hiệu quả kinh tế đạt thấp.

Để tạo động lực đưa kinh tế phát triển, những năm gần đây, huyện Thuận Bắc đã tập trung triển khai và thực hiện quyết liệt kế hoạch tái cơ cấu lại nền nông nghiệp địa phương, trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của từng vùng và nhu cầu của thị trường tiêu thụ, hướng đến xây dựng và phát triển nền nông nghiệp có giá trị hàng hóa cao. Đặc biệt, việc nhà nước đầu tư các công trình thủy lợi đã giúp huyện mở rộng các vùng sản xuất, nâng diện tích gieo trồng toàn huyện đến nay lên 11.578 ha/năm, tăng gần 1.000 ha so với năm 2015.

Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) thu hoạch lúa đạt năng suất cao. Ảnh: P.Bình

Đối với những vùng đất lúa kém hiệu quả, huyện chỉ đạo các ngành hướng dẫn nhân dân thực hiện chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng cạn; đối với các vùng khó khăn về nước tưới, tổ chức cho nhân dân ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm để trồng cỏ chăn nuôi và các loại cây ăn quả. Thực hiện chủ trương trên, đến nay toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi cây trồng được 232 ha, trong đó có 41,8 ha chuyển đổi lâu dài và 190,3 ha chuyển đổi luân canh. Hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi đã giúp nhân dân tăng thêm thu nhập từ 1,5 đến 2,5 lần trên cùng diện tích canh tác. Trong chăn nuôi, người dân cũng từng bước hướng đến các mô hình chăn nuôi tập trung, bán chăn thả; khuyến khích nhân dân phát triển gia trại, trang trại, chọn lọc, lai tạo và nhân rộng các nguồn giống có giá trị kinh tế cao. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, huyện Thuận Bắc có tổng đàn gia súc gần 35.000 con, 11 trang trại chăn nuôi khép kín. Bên cạnh đó, huyện còn xây dựng được thương hiệu hai loại sản phẩm đặc thù là “Heo đen và Gà đồi Thuận Bắc” hiện đang tổ chức cho nhân dân phát triển chăn nuôi theo mô hình tổ hợp tác trên cơ sở hỗ trợ khoa học kỹ thuật, vốn đầu tư và thị trường tiêu thụ cho người dân.

Với những giải pháp đã triển khai trên góp phần đưa nền kinh tế nông nghiệp huyện Thuận Bắc trong 3 năm qua (2015-2018) có bước phát triển khá, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 24%/năm. Riêng năm 2018, giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương đạt 1.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 25,4% trong nền kinh tế toàn huyện. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện nhờ đó giảm bình quân hàng năm 3,62%, vượt 1,62% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.

Ông Trần Quốc Sanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Bắc cho biết: Với mục tiêu đưa nông nghiệp của địa phương phát triển theo hướng gắn liên kết sản xuất với chuỗi giá trị ổn định, bền vững và lâu dài, trong năm 2019 huyện Thuận Bắc tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Cụ thể, UBND huyện đã ban hành 2 đề án, gồm: Đề án Phát triển ngành chăn nuôi đến năm 2020 và Đề án Trồng cây lâu năm kết hợp chăn nuôi dưới tán rừng. Từ định hướng này, huyện tập trung thực hiện chuyển đổi 234 ha đất trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; nhân rộng các cây trồng có hiệu quả để hình thành các vùng chuyên canh, như: Vùng chuyên canh măng tây xanh 20 ha tại đồng Rẫy Sở và tiếp tục nhân rộng tại thôn Mỹ Nhơn (xã Bắc Phong) và thôn Xóm Bằng (xã Bắc Sơn). Đồng thời, liên kết với Công ty Linh Đan và HTX Măng tây xanh xã Lợi Hải để hỗ trợ sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người trồng.

Đối với cây lúa, huyện tiếp tục liên kết với Công ty Đông Nam để hỗ trợ sản xuất nhân rộng mô hình “1 phải 5 giảm” quy mô 1.500 ha, duy trì sản xuất 3 cánh đồng lớn với quy mô 232 ha và xây dựng mới 1 cánh đồng sản xuất lúa giống tại thôn Suối Vang (xã Công Hải ) diện tích 50 ha. Ngoài ra, huyện còn chỉ đạo nhân rộng mô hình trồng tỏi an toàn quy mô 11 ha tại thôn Xóm Bằng (xã Bắc Sơn) và 30 ha mãng cầu dai tại các vùng trạm bơm; tiếp tục theo dõi và đánh giá mô hình bưởi da xanh để nhân rộng. Xây dựng 4 mô hình mới là: Mô hình cơ giới hóa trong trồng đậu phộng; mô hình trồng táo theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình trồng bưởi da xanh và xoài Úc tại xã Phước Chiến và mô hình trồng cây keo lai và cây điều ghép tại xã Phước Kháng, Phước Chiến. Tập trung phát triển 2 thương hiệu heo đen và gà Thuận Bắc theo quy mô tăng đàn heo đen lên 8.000 con và đàn gà 150.000 con; tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi bò, dê sinh sản; khuyến khích và tạo điều kiện doanh nghiệp đầu tư vào dự án nông nghiệp công nghệ cao 200 ha tại xã Lợi Hải và bổ sung khoảng 60 ha vùng trồng tỏi công nghệ cao tại xã Bắc Sơn.

Với sự đồng thuận và quyết tâm cao của huyện Thuận Bắc, tin rằng chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ổn định, bền vững của huyện sẽ tiếp tục thu được những kết quả cao, góp phần đưa kinh tế của địa phương ngày càng phát triển.