Để phụ nữ và trẻ em luôn được an toàn

An toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình là một trong ba nội dung lớn của "Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em" do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam vừa phát động. Theo đó, để phụ nữ và trẻ em luôn được an toàn, cần phải nâng cao nhận thức phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và không ngừng chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em.

Nâng cao hiểu biết về phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại phụ nữ, trẻ em

Thống kê trong giai đoạn 2011-2015, trung bình cứ mỗi ngày toàn quốc có 64 phụ nữ, 10 trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, 3 trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện; và đến năm 2018, số trẻ bị xâm hại tình dục trung bình mỗi ngày đã tăng lên con số 4,6.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nghiên cứu về bạo lực gia đình đối với phụ nữ ở Việt Nam cho thấy: Có tới 58% phụ nữ đã kết hôn cho biết họ từng phải trải qua ít nhất một trong 3 hình thức bạo lực gia đình. Gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình…

Phụ nữ và trẻ em cần được chăm sóc sức khỏe, bảo vệ an toàn. Ảnh: Văn Nỷ

Đằng sau những hành vi bạo lực và xâm hại là hậu quả nặng nề không thể đo đếm được. Không chỉ làm tổn hại về sức khỏe và tinh thần phụ nữ, trẻ em mà còn ảnh hưởng tới kinh tế và năng suất lao động của toàn xã hội. Ước tính, bạo lực gia đình gây thiệt hại khoảng 1,78% GDP mỗi năm.

Trong những năm qua Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định các biện pháp bảo vệ gia đình và phòng ngừa bạo lực gia đình như: Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020; Quy chế phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực gia đình… Bên cạnh đó, các cấp ngành cũng đã nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về vấn đề này.

Tuy vậy, tình trạng bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra khá nhiều với nhiều nguyên nhân. Theo bà Trần Ánh Tuyết, Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), bạo lực gia đình thường bị che giấu đằng sau cánh cửa, vì thế, nhận diện hành vi bạo lực gia đình là một nhiệm vụ khó khăn và đầy thách thức, đặc biệt là các hình thức bạo lực tình dục và tinh thần. Không chỉ vậy, do nhận thức hoặc do cá nhân, tập thể cố tình giấu giếm, che giấu vì yếu tố văn hóa hoặc vì thành tích “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa”… nên nhiều vụ bạo lực gia đình diễn ra ở cộng đồng dân cư đã không được tổng hợp, báo cáo kịp thời.

Do đó, muốn ngăn chặn, không để bạo lực gia đình núp sau cánh cửa thì cần nâng cao hơn nữa hiểu biết của người dân về việc phòng và chống bạo hành gia đình. Cùng với đó là thiết lập và phổ biến rộng rãi các địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để người dân có thể dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe y tế, tư vấn tâm lý, tư vấn pháp luật cho người bị bạo lực và người gây bạo lực gia đình. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến cách thức tiếp cận nhóm gây bạo lực…

Tránh nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Dù xã hội đã rất phát triển nhưng tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là vấn đề nhức nhối ở nhiều địa phương trên cả nước.

Mặc dù luật pháp về các vấn đề hôn nhân và gia đình đã quy định tuổi kết hôn ở phụ nữ là đủ tròn 18 và nam giới là đủ tròn 20, song 11% phụ nữ tuổi từ 20 đến 49 đã kết hôn hoặc đã sống chung như vợ chồng trước tuổi 18. Trong đó, các dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao hơn - 26,6% - gấp 18 lần so với dân tộc Kinh (1,4%) và gấp 10 lần so với tỷ lệ chung của cả nước (2,5%).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, trong đó phải kể đến các yếu tố như: điều kiện tự nhiên-xã hội nhiều bất lợi; trình độ nhận thức, dân trí và hiểu biết pháp luật của đại đa số người dân các vùng dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức, pháp luật tới người dân ở nhiều địa phương còn yếu kém; phong tục, tập quán lạc hậu ăn sâu, bám rễ lâu đời ở một số dân tộc thiểu số; đời sống kinh tế - xã hội khó khăn, nghèo đói…

Không chỉ vi phạm pháp luật mà tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội; làm tăng nhanh số lượng, nhưng giảm chất lượng dân số, trực tiếp ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ em... Đối với xã hội sẽ trở thành gánh nặng, tăng áp lực, chi phí cho xã hội; làm ảnh hưởng và cản trở các mục tiêu phát triển không chỉ của địa phương từng vùng mà của cả đất nước...

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp và các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách tiến hành vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chiến lược nâng cao sức khỏe, tầm vóc người Việt Nam. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Luật Trẻ em năm 2016 đã nghiêm cấm tảo hôn và các hoạt động liên quan tới việc tổ chức và hỗ trợ tảo hôn.

Tuy vậy, giải quyết tận gốc rễ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là điều rất khó, đòi hỏi các bộ, ngành trung ương và địa phương cần chung tay góp sức, vào cuộc quyết liệt. Song song với việc nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, của cán bộ chính quyền, đoàn thể các cấp, cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số. Khi nhận thức và đời sống được nâng lên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng theo đó sẽ được đẩy lùi.

Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025, sẽ giảm bình quân từ 2 đến 3%/năm số cặp tảo hôn và từ 3 đến 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao.

Không ngừng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em

Việt Nam đã có những tiến bộ ấn tượng trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe bà mẹ trẻ em, với tỷ lệ tử vong mẹ giảm 4 lần và tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm mạnh xuống còn một nửa trong những thập kỷ gần đây, chỉ số sức khỏe bà mẹ trẻ em của Việt Nam ưu việt hơn so với các quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương.

Riêng về vấn đề chăm sóc trẻ em, Nhà nước đã cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho tất cả trẻ em dưới 6 tuổi. Gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe, tử vong mẹ và tử vong trẻ em giữa các vùng miền, nhóm dân tộc. Tử vong mẹ thường cao hơn tại các vùng sâu, vùng xa và các khu vực dân tộc thiểu số. Số liệu nghiên cứu cho thấy tỷ lệ các ca sinh được người đỡ đẻ có kỹ năng hỗ trợ tại các khu vực nơi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là 49%, so với số liệu ước tính trên toàn quốc là 94%. Việt Nam đang đối mặt với sự thiếu hụt người đỡ đẻ có kỹ năng tại các vùng sâu vùng xa, cũng như sự khác biệt về năng lực của nhân viên y tế công tác tại vùng đồng bằng so với khu vực trung du và miền núi.

Vì giai đoạn mang thai và sinh nở là một cơ hội quan trọng để ngăn chặn và kiểm soát những biến chứng của bà mẹ và trẻ sơ sinh, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã hợp tác với các cơ quan y tế địa phương tại Việt Nam để tăng cường một số phương pháp tiếp cận nhằm tiếp tục giảm tỷ lệ tử vong của trẻ; đồng thời đảm bảo có thêm nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh được hưởng lợi từ việc tiếp da kề da và bú mẹ hoàn toàn. UNICEF cũng đã hỗ trợ thí điểm công nghệ thông tin sáng tạo để cập nhật và theo dõi các chỉ số của bà mẹ và trẻ em nhằm giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cũng như bệnh sởi, quai bị và rubella ở Việt Nam.