Chuyện của những người “ghép thoại”

Gặp gỡ, trao đổi và cùng làm việc với các khai thác viên của Đài Thông tin Duyên hải (TTDH) Phan Rang mới hiểu hết được công việc, trách nhiệm và khó khăn của những người “ghép thoại”.

 “NGỌN HẢI ĐĂNG TRÊN ĐẤT LIỀN”

Đài TTDH Phan Rang thuộc hệ thống các Đài TTDH Việt Nam nhằm đảm bảo thông tin cấp cứu khẩn cấp và thông tin an toàn, an ninh cho người và các phương tiện hoạt động trên biển. Tổ khai thác của đài có 5 người, tất cả đều là phụ nữ và đã lập gia đình, các khai thác viên thay nhau trực canh 8 giờ/ngày để đảm bảo thông tin được thông suốt. Chị Trần Đình Như Trâm, Trưởng Đài TTDH Phan Rang cho biết: “Công việc chính của các khai thác viên là ghép thoại cho các cuộc gọi giữa các thuyền viên trên biển với số điện thoại của người thân trong gia đình, trực canh 24/24 giờ trên các tần số 7.903 kHz, 7.912kHz, 7.906kHz và kênh 16 VHF để xử lý những thông tin biển kịp thời và chính xác”. Đặc biệt trong mùa mưa bão, Đài liên tục phát thông báo các biện pháp phòng tránh thiên tai, thảm họa tại khu vực và thông tin thời tiết biển cho các thuyền viên trên tàu yên tâm làm theo chỉ dẫn để được an toàn.

 “CHÚNG TÔI KHÔNG NẢN VIỆC !”

Mỗi người mỗi việc, các chị say sưa “ghép thoại” giữa biển khơi và đất liền.

 Có tận mắt chứng kiến mới thấy được sức ép công việc của các chị. Những cuộc điện thoại từ các thuyền viên trên biển gọi về liên tục, nối máy với đất liền, ghi lại những cuộc gọi và lặp lại quá trình với những cuộc điện khác trong lúc máy Icom tầm xa cứ rè rè bên tai những sóng âm thanh mạnh. Thế nhưng khi nối máy, các chị vẫn vô tư trò chuyện và vẫn nở những nụ cười tươi - tôi chợt nhận ra ở những người phụ nữ này, một niềm say mê công việc, sự đồng cảm và nhiệt tình cao. Chị Lê Thị Quỳnh Hân, cho biết: “Nối máy ghép thoại với các thuyền viên hoài nên mỗi lần gọi các anh đều nhớ tiếng và đoán được tên của khai thác viên. Mặc dù chưa gặp mặt lần nào nhưng tôi có cảm giác quen biết các anh lâu lắm”. Trong nhiều ca trực, các chị phải nhờ chồng mang hộ bữa cơm đến cơ quan rồi cùng ăn, nhiều khi bữa trưa đơn giản chỉ là gói mỳ tôm để hoàn thành xong công việc. Còn riêng việc trực đêm, không chỉ phải xa chồng con mà còn là giấc ngủ không tròn, đơn độc trực canh với những chiếc máy tầm xa. Hằng năm, có vài đợt tuyên truyền cho các tàu cá về cách sử dụng phương tiện thông tin trên biển, người của Đài phải theo thuyền thúng bập bênh với những con sóng để lên các thuyền đang neo đậu ngoài xa. Nhiều lần các chị bị chủ thuyền từ chối vì đàn bà không được lên thuyền (!) Vất vả là vậy nhưng chị Trần Thị Xuân Tiến, tổ trưởng tổ Khai thác viên vui vẻ nói: “Công việc tuy vất vả nhưng mỗi ngày đều có nhiều niềm vui mới, chúng tôi không nản đâu anh à! Thêm yêu công việc là đằng khác!”.

 Công việc của các chị cũng có nhiều niềm vui xen lẫn nỗi buồn. Đêm giao thừa, các thuyền viên gọi vào Trung tâm nói chuyện, chúc tết, cùng hát cho nhau nghe những đoạn cải lương, những khúc hát vào xuân… Nỗi nhớ đất liền của người đi biển được các chị san sẻ, động viên cũng vơi đi ít nhiều. Niềm vui thắng lợi mẻ cá “hai năm”, dong thuyền trở về vào đầu năm mới các thuyền viên cũng không quên hẹn gặp vào những lần đi biển sau. Anh Phạm Minh Hoàng, đi tàu số 91053 – BL, cho biết: “Gọi điện vô nói chuyện với các chị em trong đài cũng giống như gọi điện về nhà mình, các nhân viên cũng giống như người nhà mình!”.

Niềm vui là vậy, nỗi buồn lại càng sâu lắng hơn. Chị Xuân Tiến chia sẻ: “Khi nhận được tin có thuyền viên bị nạn, hồi hộp theo dõi và chờ thông tin của họ, nếu bình an thì không sao, mỗi lần có người không qua khỏi, ghép thoại cho các thuyền viên với đất liền, giọt nước mắt mình lại rơi theo nước mắt của những người thân nghe máy!”.

Công việc của những người ghép thoại là vậy! Chia tay các chị trong một buổi chiều lộng gió, thấy tâm hồn mình bỗng vướng víu một chút gì với biển khơi.