Du lịch Ninh Thuận kỳ vọng bứt phá

(NTO) Sau 44 năm giải phóng, 27 năm tái lập tỉnh, Du lịch (DL) Ninh Thuận đã có bước tiến nhảy vọt. Bây giờ, thay vì “rải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư vào Ninh Thuận nói chung, DL Ninh Thuận nói riêng, thay vào đó, hàng loạt “ông lớn” DL trong nước và quốc tế tìm đến Ninh Thuận cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội đầu tư. DL Ninh Thuận đang trở thành điểm đến hấp dẫn mới của nhà đầu tư và du khách, trên đường trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra.

“Thỏi nam châm” thu hút

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, DL Ninh Thuận đón những tin vui, khi liên tiếp những dự án DL “khủng” được cấp giấy chứng nhận đầu tư, động thổ, khởi công xây dựng. Trong đó, có những sản phẩm nghỉ dưỡng mới, vốn chưa hiện diện tại thị trường Việt Nam. Tiêu biểu là mô hình ApartHotel của tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang động thổ ngày 9-4 tại Công viên biển Bình Sơn. Đây là khu khách sạn kết hợp giữa tiện ích 5 sao quy mô lớn và xu hướng chia sẻ tiện ích không giới hạn, mang lại nhiều trải nghiệm khác biệt cho khách lưu trú. Lấy cảm hứng từ những thước lục thổ cẩm Chăm, vũ điệu Apsara, tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang do Tập đoàn Crystal Bay cùng các đối tác làm chủ đầu tư được xây dựng trên diện tích hơn 36.000m2. Dự án gồm 3 tòa tháp: Lazurya, Nuvensa và Crystal Holidays với 3.300 phòng hướng biển. Tổ hợp này cung cấp tới 101 tiện ích dịch vụ chuẩn 5 sao như 9 hồ bơi vô cực, công viên nước 47.000m, khu mua sắm biển... Đại diện cho nhà đầu tư chiến lược tại Ninh Thuận, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch- Tổng giám đốc Tập đoàn Crystal Bay cho rằng: Ninh Thuận đang hội tụ các yếu tố thuận lợi để đầu tư phát triển du lịch đồng bộ. Đó là tiềm năng tự nhiên dồi dào, chính sách ưu đãi, có sẵn quỹ đất sạch và không có xung đột đầu tư đi trước. Vùng đất này thích hợp cho các tổ hợp dự án lớn và những trải nghiệm mới lạ chưa đâu có”.

Điểm du lịch Hang Rái (Ninh Hải) được du khách ưa thích khi đến Ninh Thuận. Ảnh: Phan Bình

Trước đó, trong quý I-2019, UBND tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 3 dự án du lịch (DL) nghỉ dưỡng, tổ hợp khách sạn, căn hộ DL với tổng vốn hơn 5.550 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh. Theo cam kết của các nhà đầu tư, các dự án này đều hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2021. Hạ tầng DL nghỉ dưỡng biển của Ninh Thuận đang dần “thay da đổi thịt”. Đến nay, tỉnh đang có 61 dự án về đầu tư về DL nghỉ dưỡng, với tổng vốn đầu tư 20.000 tỷ đồng. Đây thật sự là tín hiệu vui đối với DL Ninh Thuận. Bởi với các dự án “khủng” khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ mở rộng không gian DL, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, mua sắm…cho du khách-điều hiện nay đang thiếu đối với DL Ninh Thuận.

Điểm đến của du khách

Sau ngày tái lập tỉnh, qua các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, tỉnh ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn nhằm phát triển DL bền vững, từng bước đưa DL sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực cùng phát triển. Đặc biệt, năm 2010, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) tỉnh, trong đó xác định DL là 1 trong 6 ngành kinh tế trụ cột (đứng thứ 2 sau ngành năng lượng sạch); Nghị quyết số 07/2012-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chương trình hành động số 134/CTr-TU của Tỉnh uỷ về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển ngành DL trở thành kinh tế mũi nhọn, ngành DL đã có bước phát triển nhảy vọt. Lượng du khách tăng trưởng bình quân 19%/năm, thu nhập từ hoạt động DL tăng trưởng bình quân 16,27%/năm. Trong quý I-2019, toàn tỉnh đón hơn 795.800 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh, đạt 33,869% so kế hoạch, tăng 10% so cùng kỳ; doanh thu từ du lịch (DL) hơn 259 tỷ đồng, đạt 25,9% kế hoạch năm.

Đổng đảo du khách tham quan tại Vườn quốc gia núi chúa. Ảnh: Văn Nỷ

Từ nguồn lực Trung ương và địa phương, đến nay, kết cấu hạ tầng phục vụ DL đã khá đồng bộ và hiện đại. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ DL được nâng lên; sản phẩm DL ngày càng đa dạng, phong phú hơn. Cùng với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng Internet, mạng xã hội; tổ chức khảo sát các khu, điểm trong và ngoài tỉnh; đón các đoàn Famtrip, Presstrip về khảo sát DL Ninh Thuận; cộng với sự nỗ lực từ các doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài lĩnh vực DL phát triển các loại hình sản phẩm dịch vụ phục vụ DL như dịch vụ mua sắm quà lưu niệm, dịch vụ vận chuyển, DL trang trại, DL nghiên cứu-khám phá-mạo hiểm, trạm dừng chân… đã thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.

Hình ảnh DL Ninh Thuận ngày càng xuất hiện đậm nét trên bản đồ DL. Trên “bản đồ” DL thế giới, “bản đồ” DL trong nước, các địa danh DL Ninh Thuận xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều địa danh, điểm đến DL Ninh Thuận đã lọt vào top “bản đồ” DL thế giới, “bản đồ” DL Việt Nam. Cá biệt, Tạp chí Forbes Life (Mỹ) đã chọn Khu Nghỉ dưỡng Amanơi tại xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) là một trong Top 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; hay cung đường ven biển Bình Tiên-Vĩnh Hy, Hang Rái, Trang trại nho Ba Mọi, Sa mạc cát Sơn Hải… được bình chọn trở thành các điểm “phượt” ấn tượng nhất của du khách trong năm trên bản đồ DL Việt Nam.

Khai thác tiềm năng, lợi thế

Với mục tiêu tăng dần tỷ trọng ngành DL trong cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, trở thành động lực trong phát triển KT-XH của địa phương, phấn đấu đến năm 2020, ngành DL chiếm 12% trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Mức tăng trưởng GRDP bình quân đạt 28%/năm. Đến năm 2020 đón khoảng 2,5-3 triệu lượt khách. Giải quyết 13% lao động toàn tỉnh trong lĩnh vực DL vào năm 2020; phát triển có trọng điểm các dự án DL đẳng cấp cao và tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược tạo ra đặc sắc riêng của Ninh Thuận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.

Nằm ở ngã ba tam giác của cụm DL quốc gia (Mũi Né-Nha Trang-Đà Lạt), cùng với làn sóng đầu tư mới, đặc biệt từ khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP, đồng ý bổ sung các khu DL Bình Tiên-Vĩnh Hy, Cà Ná-Mũi Dinh vào các khu DL quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển DL Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây có thể được xem là “kim chỉ nam” cho tỉnh Ninh Thuận trong quy hoạch, phát triển và đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; là cơ hội cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến đầu tư vào lĩnh vực DL tại Ninh Thuận.

Đồng chí Châu Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Để đạt mục tiêu trên, tỉnh ta đang tăng cường xây dựng, tạo lập môi trường kinh doanh và đầu tư thực sự thông thoáng, minh bạch và thuận lợi nhằm thu hút sự tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh DL của mọi thành phần kinh tế. Khuyến khích thu hút các nhà đầu tư chiến lược có uy tín, có thương hiệu đầu tư vào tỉnh, nhất là các dự án nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh riêng có của tỉnh để tạo ra các sản phẩm DL độc đáo, tạo sự khác biệt hấp dẫn du khách. Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật DL như hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt kết hợp đường hàng không (sân bay Cam Ranh). Tăng cường liên kết vùng, miền, đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá, hợp tác quốc tế, mở rộng không gian và thị trường DL để thu hút du khách. Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển DL, xây dựng văn hóa DL; tăng cường công tác quy hoạch, hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển DL; công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực DL và hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực DL. Đồng thời, thực hiện đúng các cam kết với các nhà đầu tư, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm DL để đưa DL trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.