Đổi mới ở các xã anh hùng

(NTO) Lần theo lời kể từ các bậc cao niên về những chiến công hào hùng của quân và dân tỉnh nhà trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, chúng tôi tìm về các địa danh, căn cứ cách mạng trong tỉnh để ghi nhận những nỗ lực của nhân dân địa phương phát huy truyền thống hào hùng, tinh thần tự lực, tự cường của cha ông mình trong xây dựng quê hương ngày thêm ấm no, giàu đẹp.

Từ quê hương của hai chiến sĩ anh hùng cách mạng

Nhắc đến xã Phước Trung (Bác Ái) có lẽ ai cũng biết đến bởi tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường chống giặc ngoại xâm của đồng bào Raglai nơi đây. Đây cũng là mảnh đất “Địa linh nhân kiệt” sinh ra hai Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Pi-năng Thạnh và Chamaléa Châu. Sau 44 năm quê hương giải phóng, xã Phước Trung đang dần đổi thay từng ngày với những con đường bê tông trải dài hay những trang trại nuôi cừu, dê lớn của bà con địa phương. Trong chuyến đi này, chúng tôi được gặp ông Mai Liên, ông từng có 31 năm gắn bó với nhiều chức vụ quan trọng tại địa phương, do đó, ông nắm rất rõ về lịch sử địa phương cũng như đời sống của người dân địa phương. Ngồi lật lại những ký ức về chặng hành trình phát triển của địa phương trong cuốn sổ lớn được cất giữ kỹ lưỡng, ông Liên chia sẻ: Trong hai cuộc kháng chiến, bà con Raglai của quê hương mình một lòng đi theo Đảng, quyết tâm dành lại từng tất đất quê hương. Sau ngày hoà bình lập lại, các chủ trương, chính sách của Đảng cũng được bà con “ưng cái bụng” mà nhất nhất làm theo, nhờ vậy mà đời sống người dân cũng trở nên ổn định hơn. Để minh chứng cho những gì đã nói, chúng tôi được ông và cán bộ địa phương dẫn đi thăm mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tiết kiệm nước rộng 12 ha, tại khu vực hồ tưới Phước Nhơn. Ở đấy, các thửa ruộng trồng bắp nếp, cây họ đậu được bà con chăm sóc kỹ lưỡng nên hầu như cây nào cũng phát triển rất tốt. Nghỉ giải lao giữa cái nắng những ngày đầu hè, anh Katơr Uyn, thôn Đồng Dày chia sẻ: Ngày trước, bà con mình quen cái tay gieo hạt đậu, hạt bắp trên nương cao và đặt tất cả hy vọng vào thời tiết, vì vậy cái nghèo cứ quẩn quanh. Nhờ những năm qua, được sự quan tâm của địa phương, bà con mình biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất nên năng suất tăng lên đáng kể. Trong đôi mắt chứa đầy niềm tin, chỉ tay về ruộng bắp, anh nói tiếp: Bắp đã kết hạt đầy trái nên gia đình chúng tôi tin chắc sẽ thắng lợi vụ này.

Nông dân xã Phước Trung (Bác Ái) trồng bắp đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: D.L

Đồng chí Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Là một trong những vùng hạn của tỉnh, do đó việc tạo nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp là yêu cầu lớn nhất mà địa phương cần làm. Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nhân rộng các mô hình chăn nuôi đã giúp đời sống bà con trở nên khấm khá hơn trước, tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm xuống còn khoảng 32%.

Đến vùng đất Phước Dinh anh hùng

Chọn cho mình điểm đứng cao nhất trên tuyến đường ven biển, chúng tôi phóng tầm mắt nhìn bao quát cảnh vật xã Phước Dinh (Thuận Nam), nơi đây từng là CK35 trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Nằm giữa một bên là biển xanh, bên còn lại là sườn đồi với các đại công trình điện gió, điện mặt trời, Phước Dinh hiện lên từ xa với sự sầm uất, náo nhiệt vốn có của những làng quê miền biển.

Với lợi thế về đường biển dài cùng sự đa dạng về chủng loại hải sản, vì vậy người dân Phước Dinh đang tận dụng tiềm lực của quê hương để phát triển kinh tế. Trong đó, sản xuất ngư nghiệp, từ chỗ đánh bắt hải sản theo hướng truyền thống, đến nay ngư dân địa phương đã đầu tư thuyền công suất lớn và các trang thiết bị hiện đại nhằm phục vụ hiệu quả cho hoạt động khai thác hải sản. Đến nay, toàn xã có 236 tàu thuyền, với công suất 27.753 CV, sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 5.700 tấn. Cùng với đó, bà con địa phương còn đẩy mạnh việc nuôi trồng các loại hải sản có giá trị như tôm sú, ốc hương. Theo thống kế, xã có đến 286 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, 36 ha nuôi ốc hương thương phẩm, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con địa phương.

Hệ thống đường giao thông xã Phước Dinh được đầu tư xây dựng
đáp ứng nhu cầu giao thương của nhân dân địa phương.

Về Phước Dinh hôm nay là những ngôi nhà khang trang mọc san sát nhau, khung cảnh trên bến, dưới thuyền tấp nập mua bán hải sản và hơn ai hết chính những ngư dân nơi đây phấn khởi khi cuộc sống ngày càng đổi thay. Đó chính là minh chứng sống cho sự “thay da, đổi thịt” của vùng đất này. Trao đổi về những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đồng chí Đặng Trung Hoà, Bí thư Đảng uỷ xã Phước Dinh phấn khởi: Bước ngoặc lớn nhất đưa Phước Dinh ngày càng phát triển chính là khi tuyến đường ven biển Phú Thọ-Mũi Dinh hoàn thành và đưa vào hoạt động. Có thêm tuyến đường mới này không những việc đi lại, giao thương hàng hoá của bà con trở nên thuận lợi mà còn thu hút các nhà đầu tư tìm đến địa phương nhiều hơn. Cho đến nay, nhiều công trình đã được triển khai như: Nhà máy điện gió Mũi Dinh, Nhà máy điện mặt trời Bàu Ngứ, dự án đầu tư xây dựng Khu nghỉ dưỡng cao cấp và Thể thao mạo hiểm Phước Dinh của Công Ty Cổ phần Mũi Dinh Ecopark…Đây được xem là tiền đề để địa phương phát triển các ngành nghề dịch vụ, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, mạch nguồn cách mạng đã và đang nhân lên niềm tin cho các phong trào thi đua sôi nổi trong các tầng lớp nhân dân địa phương. Từ nền tảng đó, chúng tôi hy vọng rằng bức tranh đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội ở các xã anh hùng trong tỉnh sẽ càng thêm khởi sắc trong thời gian tới.