Vai trò Mặt trận xã Phước Hải qua phát huy dân chủ ở cơ sở

Phước Hải là xã đặc biệt khó khăn thuộc bãi ngang ven biển của huyện Ninh Phước, có diện tích tự nhiên 3.340 ha, diện tích đất nông nghiệp 2.214 ha, trong đó có 200 ha lúa, 15 ha nho và khoảng trên 400 ha rẫy trồng hành tím, đậu phộng, rau màu các loại. Đến đây vào thời điểm nông dân đang tất bật thu hoạch trà lúa đầu vụ đông-xuân, chúng tôi cảm nhận được không khí vui tươi và thanh bình của vùng quê giàu truyền thống cách mạng này.

Đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hải cho biết: Trong 4 năm trở lại đây, các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, xây dựng Đảng của Phước Hải đều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tình hình an ninh trật tự ổn định, đời sống người dân từng bước cải thiện. Bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân trong xã, Mặt trận đã đóng vai trò quan trọng. Với dân số gồm 15.548 nhân khẩu/3.377 hộ, Phước Hải có 2 dân tộc chính sinh sống là Kinh và Chăm (chiếm tỷ lệ 35%), trong đó có 3 thôn người Kinh (Từ Tâm 1, Từ Tâm 2, Hòa Thủy) và 1 thôn đồng bào dân tộc Chăm (Thành Tín), chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp. Thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về Quy chế “Giám sát phản biện xã hội và tham gia ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân”, hằng năm, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội của xã phối hợp đăng ký với cấp uỷ Đảng nội dung giám sát chuyên đề và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện.

 Một góc khu vực Trung tâm hành chính xã Phước Hải. Ảnh: B.Thương

Theo đồng chí Đào Văn Mạnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước Hải, trong nhiệm kỳ qua (2014-2019), Mặt trận xã đã chủ trì phối hợp với các tổ chức thành viên tiến hành tổ chức 4 cuộc giám sát chuyên đề về thu chi quỹ Hội Phụ huynh học sinh ở 4 trường học; 16 cuộc giám sát đầu tư của cộng đồng về thi công bê tông hóa đường nội thôn, đường nội đồng và kênh mương cấp II, III. Đặc biệt tổ chức 3 đợt đối thoại giữa nhân dân với lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương, có 245 lượt người tham dự, đóng góp 31 ý kiến, đề xuất các giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua đối thoại, không chỉ góp phần thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, mà còn tăng cường sự đồng thuận xã hội; giúp cho cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể có biện pháp khắc phục những hạn chế tồn tại, thiếu sót trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quản lý trên mọi lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng Đảng.

Cũng nhờ tổ chức tốt cuộc đối thoại, Phước Hải giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân, thúc đẩy việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động ở địa phương. Đơn cử qua thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, nhân dân trong xã hiến 4.200 m2 để Nhà nước làm kênh tiêu hồ Bàu Ngứ và đường nội đồng; xây dựng sân bóng đá trên 200 triệu đồng, đóng góp 655 ngày công lao động và 274 triệu đồng cứng hóa đường nội đồng. Để thắp sáng đường quê có chiều dài 4,6 km, nhân dân lắp đặt 162 bóng đèn với kinh phí 53,62 triệu đồng, đồng thời tự nguyện đóng góp chi trả tiền điện hằng tháng. Ông Ngô Văn Kẽm, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Từ Tâm 1 chia sẻ: “Nhân dân trong thôn sẵn sàng tham gia các phong trào, các cuộc vận động, đặc biệt là tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới”. Có thể nói để có sự đổi mới của bộ mặt nông thôn Phước Hải, đã có sự góp phần không nhỏ của MTTQ Việt Nam xã qua thực hiện công tác giám sát và phát huy quyền làm chủ của người dân.

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, nhưng nhờ được đầu tư hệ thống điện, những năm gần đây với tinh thần vượt khó, sáng tạo, nông dân Phước Hải đã sử dụng máy bơm điện, đầu tư công nghệ tưới nước tiết kiệm nhỏ giọt vào việc canh tác. Hàng loạt chương trình, dự án về nông nghiệp-nông thôn của địa phương nhờ đó được triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Theo lộ trình xây dựng nông thôn mới, cuối năm 2019, Phước Hải sẽ hoàn thành đạt chuẩn 19/19 tiêu chí. Hiện tại, qua khảo sát đánh giá, Phước Hải chỉ còn phấn đấu đạt chuẩn 3 tiêu chí (thu nhập, hệ thống chính trị, hình thức tổ chức sản xuất), trong đó đặt trọng tâm vào thực hiện tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất.

Để góp phần vào tiến trình đó, với vai trò nòng cốt thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, MTTQ Việt Nam xã đang tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, tăng cường tổ chức đối thoại, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Theo đồng chí Nguyễn Khắc Hòa, từ tiền đề đã có được, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là Mặt trận xã, có cơ sở để tin rằng mục tiêu xây dựng Phước Hải đạt chuẩn xã nông thôn mới sẽ thực hiện đúng kế hoạch đề ra.