Đảm bảo an toàn phòng cháy tại các nhà máy, khu công nghiệp

(NTO) Các nhà máy, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), nơi có khối lượng lớn nguyên vật liệu, hàng hóa, thiết bị máy móc hoạt động phục vụ sản xuất, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ cao, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Vì vậy, để bảo vệ tài sản của doanh nghiệp cũng như tính mạng người lao động, công tác PCCC tại các cơ sở sản xuất, KCN, CCN cần được quan tâm đúng mức.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 KCN và 3 CCN đã được thành lập, trong đó có 2 KCN và 1 CCN đi vào hoạt động, thu hút hơn 30 dự án đầu tư thứ cấp. Tỷ lệ lấp đầy của KCN Thành Hải 98,8%, KCN Phước Nam 3,86% và CCN Tháp Chàm 85,6% diện tích đất. Có 20 dự dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh với các ngành hàng như: chế biến thực phẩm, nông-thủy sản, dệt may xuất khẩu, sản xuất vật liệu xây dựng và một số công nghiệp nhẹ khác, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động tại địa phương. Ngoài ra còn có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất ở các địa phương.

Cơ quan chức năng kiểm tra công tác PCCC tại Nhà máy Dệt may Quảng Phú (Ninh Sơn).

Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác PCCC, Ban quản lý KCN và chủ các cơ sở đã đầu tư trang bị nhiều phương tiện PCCC tại chỗ, xây dựng lực lượng PCCC cơ sở, thường xuyên huấn luyện nghiệp vụ PCCC; bố trí sắp xếp hàng hóa, phương tiện, lối thoát hiểm theo đúng quy định. Tuy nhiên một số cơ sở khác công tác đảm bảo an toàn PCCC vẫn còn nhiều bất cập như chưa đầu tư mua sắm trang thiết bị PCCC, chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định. Qua kiểm tra, có một số doanh nghiệp chưa chấp hành tốt việc tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ, bố trí sắp xếp hàng hóa vật tư, che khuất lối thoát nạn, không đảm bảo PCCC; hợp đồng bảo hiểm chưa đúng theo quy định; không có sổ theo dõi công tác PCCC, chậm thành lập lực lượng PCCC cơ sở ở những đơn vị mới đi vào hoạt động; việc thẩm duyệt hồ sơ PCCC chưa nghiêm túc.

Đơn cử như tại Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú (Ninh Sơn), một số phân xưởng chưa thực hiện việc đầu tư hệ thống báo cháy tự động và chữa cháy tự động đúng theo thiết kế, nhưng doanh nghiệp đã đưa vào hoạt động. Theo Đại tá Đinh Hồng Nghiệp, Phó Giám đốc Công an tỉnh, theo tiêu chuẩn Việt Nam đối với loại hình doanh nghiệp dệt may, đây là hạng mục quy định bắt buộc phải đầu tư, khi được cơ quan chức năng thẩm duyệt mới được phép sản xuất, nhưng hiện nay Công ty đã đưa vào hoạt động, nên để đảm bảo an toàn PCCC doanh nghiệp cần phải bổ sung ngay. Mặt khác, đề nghị doanh nghiệp cần phải quan tâm thường xuyên vệ sinh công nghiệp, hạn chế bụi bông bám vào tủ điện. Bởi trong điều kiện nắng nóng, nếu ổ điện rò rỉ, bụi bông bắt cháy rất nhanh, nguy cơ cao về cháy nổ rất nguy hiểm.

Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, từ năm 2014 đến nay, trong các KCN, CCN đã xảy ra 2 vụ cháy. Trong đó vụ cháy xảy ra vào tháng 2-2016 tại Nhà máy Sản xuất Than thảo mộc của Công ty TNHH MTV Kim Long Phát tại KCN Phước Nam, nguyên nhân do không vệ sinh ống khói, sắp xếp nguyên vật liệu không gọn gàng. Và vụ cháy xảy ra tháng 7-2016 do chập điện cháy nguồn máy tính để bàn tại phòng Kế toán Nhà máy chế biến tôm, Công ty TNHH Thông Thuận, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng.

Ông Sử Đình Vinh, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Các KCN, CCN chủ yếu có hạ tầng đầu tư từ nhiều năm trước với số họng nước PCCC còn hạn chế, nên không đảm bảo đáp ứng được công tác PCCC hiện nay. Mặt khác, cơ chế phối hợp chưa chặt chẽ và còn nhiều hạn chế, do đó cần có sự phối hợp của lực lượng chức năng trong việc tuyên truyền, diễn tập phương án phối hợp về PCCC để chủ động xử lý cháy. Theo quy định, đối với KCN từ 70 ha trở lên phải bố trí trụ sở, đội PCCC chuyên nghiệp, nhưng hiện nay vẫn chưa được bố trí. Để PCCC hiệu quả, cần thiết phải xây dựng phương án tổng thể để vận hành cơ chế phối hợp, xử lý cháy tại chỗ ngay từ đầu của các doanh nghiệp trong các KCN, CCN.

Để đảm bảo an toàn về PCCC ở các KCN, CCN phục vụ cho việc ổn định sản xuất của các doanh nghiệp, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh cần tăng cường tổ chức các buổi tập huấn để bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC cho các doanh nghiệp trong KCN; đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính việc chấp hành các quy định của nhà nước về an toàn PCCC; phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức thực tập chữa cháy tại cơ sở. Cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp của lực lượng PCCC, các doanh nghiệp, Ban quản lý các KCN cần chủ động phối hợp với Cảnh sát PCCC thực hiện nghiêm các quy chế thẩm duyệt về PCCC, quy hoạch hệ thống cấp nước PCCC; chủ các cơ sở, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa tới công tác tự kiểm tra, đầu tư các trang thiết bị, bố trí nhân lực tham gia công tác PCCC tại các nhà máy, đảm bảo sản xuất an toàn, bền vững.