Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34: ASEAN và dấu ấn của Việt Nam

Trải qua hơn 5 thế kỷ xây dựng và phát triển, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã phát triển thành một tổ chức quy mô với nội dung hợp tác ngày càng sâu rộng, gặt hái nhiều thành công, mở ra vận hội mới trong lịch sử khu vực Đông Nam Á. Và trong quá trình ấy có dấu ấn đậm nét của Việt Nam.

Sự phát triển của ASEAN

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập ngày 8-8-1967, đến nay đã có đủ 10 nước Đông Nam Á là thành viên, bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia.

Kể từ khi ra đời, dù còn có sự khác biệt về tôn giáo, về trình độ phát triển, về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin... song 10 nước ASEAN đã coi nhau như anh em một nhà, để hỗ trợ, giúp đỡ và cùng nhau phát triển về mọi mặt. Và nền tảng cho các thành tựu trong hơn 5 thập kỷ qua chính là những cơ chế hợp tác nội khối của ASEAN được triển khai thông qua các hiệp ước, diễn đàn, hội nghị, dự án, chương trình phát triển, việc xây dựng Khu vực tự do thương mại ASEAN và các hoạt động văn hóa thể thao khu vực. Các nhà lãnh đạo ASEAN đã từng bước xây dựng và vận dụng những cơ chế này nhằm đảm bảo các mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục và tiến bộ xã hội của các nước thành viên; xây dựng Đông Nam Á thành một khu vực hòa bình ổn định, có nền kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển.

Về chính trị-an ninh, trong những thập kỷ qua, trật tự khu vực tương đối ổn định nhờ các cơ chế hợp tác an ninh, đối thoại, các nguyên tắc của Phương cách ASEAN: Cùng tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Về kinh tế, năm 2018, GDP của ASEAN đạt gần 3.000 tỷ USD, là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có quy mô lớn thứ 6 trên toàn cầu. ASEAN đã ký kết 6 Hiệp định thương mại tự do với 7 đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới. Về văn hóa-xã hội, giá trị và bản sắc chung của khu vực đã được xây dựng thông qua các hoạt động hợp tác ASEAN trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, qua đó đã từng bước tăng cường hiểu biết và tình đoàn kết giữa nhân dân các nước Đông Nam Á, giữa các nước trong khu vực với các nước ngoài khu vực. Nhờ các hoạt động giao lưu thể thao, kết nối văn hóa, giáo dục, các giá trị và bản sắc chung của khu vực đã được củng cố và ý thức cộng đồng của các nước ASEAN đã được tăng cường. Nhân quyền và các quyền tự do cơ bản được thúc đẩy và bảo vệ.

Một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của ASEAN là sự hình thành Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12-2015 với 3 trụ cột gồm Chính trị-An ninh (APSC), Kinh tế (AEC) và Văn hóa-Xã hội (ASCC). Đây là một dấu mốc quan trọng, nâng hợp tác ASEAN lên một tầm cao mới và đòi hỏi các quốc gia thành viên phải nỗ lực hơn nữa để xây dựng một cộng đồng trong đó hơn 630 triệu người trong Đông Nam Á được sống trong môi trường hòa bình, hữu nghị, các dân tộc đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và được hỗ trợ phát triển đồng đều. Hướng tới Tầm nhìn ASEAN 2025, ASEAN đã đặt ra ba kế hoạch tổng thể của các trụ cột, làm kim chỉ nam cho hoạt động của các cơ quan chuyên ngành của từng trụ cột đến năm 2025.

ASEAN đã khẳng định vai trò chủ đạo trong việc xác định các ưu tiên, chương trình nghị sự, định hướng phát triển của các tiến trình hợp tác. Đồng thời, ASEAN thể hiện vai trò dẫn dắt, định hướng, điều hòa các lợi ích khác biệt của các nước, nhất là các nước lớn, phù hợp với đặc thù, ưu tiên và lợi ích của ASEAN.

Dấu ấn Việt Nam trong ASEAN

Ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN và trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội. Đây là một dấu mốc lớn đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Phiên họp toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 34.

Là thành viên có dân số lớn thứ 3 và diện tích đứng thứ 4 trong ASEAN, với vị trí địa chiến lược và kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á, Việt Nam có vai trò quan trọng trong ASEAN và được các nước thành viên khác đặt nhiều kỳ vọng.

Và thực tế đã chứng minh, 24 năm tham gia ASEAN, dù là thành viên đến sau, trình độ phát triển còn khoảng cách với nhiều nước, nhưng Việt Nam luôn thể hiện thiện chí và nỗ lực, nhiệt huyết và trách nhiệm, đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN.

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam đã tham gia tích cực và đẩy mạnh liên kết kinh tế nội khối, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, thông qua hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ ASEAN (ATISA), xây dựng lộ trình cho cắt giảm hàng rào phi thuế quan và thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (RCEP). Đặc biệt, Việt Nam đã chủ động nhận vị trí Chủ tọa Nhóm Đầu tư trong đàm phán, hay Chủ tọa Nhóm Dịch vụ trong đàm phán FTA ASEAN-Nhật Bản và đang thể hiện tốt vị trị của mình.

Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, Việt Nam luôn khẳng định tiếng nói của tinh thần đoàn kết, thống nhất và nâng cao ý thức trách nhiệm chung nhằm ứng phó hiệu quả với các nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Tới đây Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Phát biểu tại lễ ra mắt mắt Ủy ban quốc gia ASEAN 2020 (tháng 12-2018), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định ASEAN là ưu tiên hàng đầu, là “hòn đá tảng” trong ngoại giao đa phương. Việt Nam mong muốn tiếp tục đóng góp thực chất hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN đoàn kết, có vai trò trung tâm ở khu vực, hướng tới một ASEAN hài hòa, gắn kết, bản sắc, có khả năng thích ứng cao, ngày càng phát triển thịnh vượng, có vai trò và trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.