Làm thế nào để ngăn chặn bạo lực học đường?!

Hiện nay, thực trạng bạo lực học đường không chỉ là mối quan tâm, lo lắng của ngành giáo dục mà còn là của toàn xã hội. Cuối tháng 2 vừa qua, vụ việc một học sinh đánh giáo viên tại huyện Ninh Hải đã gây bất bình trong dư luận. Nhà trường và nhiều phụ huynh không khỏi lo lắng về môi trường học tập của con em mình. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để ngăn chặn tình trạng bạo lực trong học đường?!

Vấn đề đặt ra cho nhiều trường học hiện nay là làm gì để nhà trường và gia đình cùng phối hợp giáo dục, quản lý học sinh một cách tốt nhất. Thế nhưng, nhiều phụ huynh vẫn còn “khoán trắng” việc giáo dục con cái cho nhà trường. Có những trường hợp học sinh bị kỷ luật nhưng khi mời làm việc, phụ huynh không đến trường nên giáo viên phải tìm đến nhà. Cô Nguyễn Hồng Liêu, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo cho biết: “Đối với học sinh, mỗi ngày chỉ học trên trường 4 tiếng, thời gian còn lại ở nhà, các em cần được gia đình quản lý chặt chẽ về thời gian và các hoạt động khác. Riêng ngành giáo dục, cần chú trọng dạy chữ đi đôi với dạy người, mỗi thầy, cô giáo phải là một tấm gương đạo đức tự học, tự sáng tạo để học trò noi theo”.

Games Online - trò chơi dễ tiêm nhiễm gây ra bạo lực học đường.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên phải kể đến các trò chơi trực tuyến trên Internet mang tính bạo lực. Theo như điều tra tổng hợp thông tin về trò chơi trực tuyến của Phòng GD-ĐT Tp.Phan Rang – Tháp Chàm cuối năm 2010 với 9.500 học sinh thì có 3.101 em đến các đại lý Internet từ 1 đến 3 lần/tuần, 894 em chơi các trò chơi trực tuyến như: Đột kích, Boom, Kiếm thế, Thiên long bát bộ…Và 762 em thường bắt chước khi giao tiếp với bạn bè....Hầu hết các trò chơi trực tuyến mang tính bạo lực cao đã ảnh hưởng không ít đến suy nghĩ, tính cách và nhận thức của các em. Mâu thuẫn của các em thường khởi phát từ những chuyện đơn giản. Nhưng vì ở lứa tuổi đang phát triển, tâm lý các em chưa ổn định, cộng thêm sự tiêm nhiễm từ luồng phim ảnh không lành mạnh, những trò chơi đầy tính bạo lực trên internet và do các đối tượng xấu bên ngoài xúi giục nên các em thích hành xử theo kiểu đàn anh, đàn chị…để chứng tỏ bản thân. Nếu không theo sát những biểu hiện và có phương pháp phòng ngừa thì hậu quả khó lường. Bàn về vấn đề này, Thầy Lưu Văn Hai, Bí thư Đoàn trường THPT Lê Quý Đôn cho biết: “Phong trào Đoàn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách tuổi mới lớn, tổ chức được nhiều phong trào sẽ tạo sân chơi lành mạnh, các em sẽ không còn nhiều thời gian để chơi game on line. Các hoạt động văn hóa, thể thao và những công việc có ích sẽ hướng cho các em biết yêu thương, quý trọng tình cảm, hướng đến chs6n, thiện, mỹ hơn”.

Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường, cần có sự phối hợp chặt chẽ từ 3 phía: gia đình, nhà trường và xã hội. Trước hết, về phía gia đình cần có sự quan tâm đến con em mình, cùng với nhà trường chung tay giáo dục tri thức, nhân cách cho các em đừng nên đổ hết cho trường lớp. Mỗi thầy, cô giáo cũng phải là tấm gương sáng cho các em học tập và noi theo, cần chú trọng đến kỹ năng giao tiếp, ứng xử, thuyết phục được học trò của mình. Sự tận tụy, yêu thương chân thành của thầy, cô sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức và hành vi của các em đối với cộng đồng xã hội. Nhà trường cần tăng cường nhiều hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích. Đối với những cá nhân vi phạm, xã hội cần sự bao dung, giúp đỡ để bản thân các em ấy không bị xa lánh, mặc cảm, ngăn chặn được những luồng tư tưởng xấu, ảnh hưởng đến việc học tập và vui chơi của các em trong độ tuổi còn ngồi trên ghế nhà trường. Có như vậy, tình trạng bạo lực phần nào sẽ được đẩy lùi trong học đường, xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh.