Kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh khóa X: Nhiều vấn đề được thảo luận, chất vấn

Ngày 9-7, kỳ họp thứ mười, HĐND tỉnh khóa X, bước vào ngày làm việc thứ hai. Buổi sáng, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ về kết quả kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2019; kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh năm 2019 và các nghị quyết trình kỳ họp thông qua.

Tại phiên thảo luận tổ, có 51 lượt đại biểu tham gia ý kiến, nhìn chung đều cơ bản thống nhất với báo cáo của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung phân tích, làm rõ những hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vào các chỉ tiêu chưa đạt theo Nghị quyết HĐND tỉnh giao, như: Chủ trương cơ cấu lại kinh tế và chuyển dịch nội bộ các ngành công nghiệp, nông nghiệp, du lịch… còn chậm; giá trị sản xuất ngành Công nghiệp đạt thấp; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp còn khó khăn, vướng mắc… Với tinh thần trách nhiệm cao, lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã trả lời từng vấn đề mà các đại biểu và cử tri trong tỉnh quan tâm; đồng thời, nêu rõ thực trạng, khó khăn, giải pháp để cùng các ngành, địa phương tháo gỡ kịp thời trong thời gian tới.

Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn.

Buổi chiều, các đại biểu họp phiên chất vấn. Dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, bước vào phiên họp, đồng chí Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương lần lượt trả lời 3 vấn đề mà cử tri và nhân dân trong tỉnh quan tâm. Theo đó, đối với nội dung câu hỏi: Việc tổ chức các Hội chợ trên địa bàn tỉnh còn đơn điệu, thời gian tới ngành Công Thương cần làm gì để nâng cao chất lượng quảng bá, đưa các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao đến tay người tiêu dùng trong tỉnh? Vấn đề này, đồng chí Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: Nguyên nhân các Hội chợ chưa thu hút được nhiều đơn vị sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao trước hết là do thị trường Ninh Thuận sức mua thấp. Mặt khác, phần lớn các Hội chợ hiện nay được tổ chức theo hình thức xã hội hóa, đơn vị tổ chức lấy thu bù chi; địa điểm tổ chức không ổn định, quy mô không lớn… Trên cơ sở những vấn đề đại biểu đề cập, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh công bố danh mục địa điểm được tổ chức Hội chợ; bố trí ngân sách địa phương cho công tác tổ chức Hội chợ gắn liền với các lễ hội lớn; đồng thời, tuyên truyền, vận động các đơn vị tổ chức Hội chợ nâng cao trách nhiệm, đảm bảo các sản phẩm tham gia trưng bày, giới thiệu phải đạt chuẩn chất lượng, nhãn hiệu đăng ký, nguồn gốc xuất xứ.

Đối với câu hỏi liên quan đến tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh còn thấp, đồng chí Phạm Đăng Thành thông tin để đại biểu và cử tri rõ: Tỉnh ta hiện có 4 KCN đã được quy hoạch với tổng diện tích trên 1.682 ha. Đến nay, có 3 KCN đã được thành lập, trong đó KCN Thành Hải thu hút được 18 dự án đầu tư thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy 74,9%; KCN Phước Nam thu hút được 4 dự án đầu tư thứ cấp, tỷ lệ lấp đầy mới đạt 3,86%. Riêng KCN Cà Ná chưa hoàn thành đánh giá tác động môi trường, chưa lập quy hoạch chi tiết, chưa được cấp chủ trương đầu tư. Nguyên nhân còn tình trạng này là do một số KCN phải điều chỉnh Quy hoạch chi tiết, điều chỉnh phạm vi, ranh giới, ngành nghề, chưa thống nhất được phương án cấp nước; mặt khác, do ảnh hưởng chung của nền kinh tế toàn cầu, nên nhiều nhà đầu tư dè dặt triển khai dự án. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp do năng lực tài chính hạn chế, đang cần sự hỗ trợ về nguồn vốn vay của các ngân hàng... Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh để chỉ đạo, điều hành, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng KCN sớm hoàn thiện hồ sơ trình bộ, ngành Trung ương cấp kinh phí hỗ trợ để hoàn thiện đầu tư hạ tầng kỹ thuật kêu gọi dự án thứ cấp; đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức, cá nhân để giám sát việc triển khai thực hiện đạt hiệu quả hơn.

Về câu hỏi đại biểu băn khoăn liệu việc đầu tư hạ tầng truyền tải điện để giải tỏa công suất 2.000 MW điện mặt trời trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 có đạt mục tiêu đề ra, đồng chí Phạm Đăng Thành cho biết: Trên cơ sở kết luận của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Thông báo số 501/TB-BCT ngày 31-12-2018 ủng hộ đề xuất của tỉnh thực hiện hình thức đầu tư xã hội hóa một số công trình lưới điện truyền tải, hiện Sở Công Thương đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến các sở, ngành liên quan, trước mắt tập trung đầu tư nâng cấp, thay mới dây dẫn, nâng tiết diện dây dẫn đối với các đường dây 110kV và 220kV hiện hữu. Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có kế hoạch bố trí vốn; yêu cầu các Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn, các nhà thầu cung cấp vật tư thiết bị, xây lắp tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng truyền tải đường dây 500kV và 220kV để sớm hoàn thành trong năm 2019 và 2020.

Đại biểu Lê Văn Lợi, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh chất vấn các sở, ngành.

Tại phiên chất vấn lần này, lĩnh vực nông nghiệp cũng được các đại biểu quan tâm, đặt nhiều câu hỏi. Cụ thể, với nội dung câu hỏi liên quan đến khu đất 231 ha (nay đo đạc thực tế là 220 ha), tại hồ số 8 nằm trong quy hoạch Dự án Muối Quán Thẻ, xã Phước Minh (Thuận Nam) hơn 19 năm nay người dân không canh tác được, nhưng cũng không được hỗ trợ đời sống, đồng chí Đặng Kim Cương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu nội dung này, đơn vị sẽ tham mưu trình UBND tỉnh điều chỉnh Dự án Muối Quán Thẻ từ 1.340,96 ha lên 1.560,96 ha (bao gồm cả diện tích 220 ha xung quanh hồ số 8) để UBND huyện Thuận Nam triển khai thực hiện công tác bồi thường.

Liên quan đến vấn đề các đại biểu phản ánh việc Chi cục Nguồn lợi thủy sản không cấp giấy phép khai thác cho các tàu thuyền đánh bắt hải sản bằng nghề vây rút chì làm ảnh hưởng đến đời sống của bà con ngư dân, đồng chí Đặng Kim Cương cho biết: Nghề lưới vây rút mùng ở tỉnh ta có kích thước mắt lưới nhỏ dưới 10mm, thuộc danh mục nghề cấm, vi phạm điều kiện cấp giấy phép khai thác thủy sản theo khoản 2, Điều 50 Luật Thủy sản. Tuy nhiên, nếu chấm dứt hoạt động khai thác hải sản bằng nghề vây rút mùng sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động chế biến nước mắm truyền thống tại một số làng nghề Cà Ná, Phước Diêm. Để giải quyết các khó khăn này, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT có định hướng giải quyết, cũng như có chính sách hỗ trợ ngư dân vay vốn để chuyển nghề hoặc đầu tư lại dàn lưới có mắt lưới lớn hơn để tiếp tục phát triển nghề.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc tàu có chiều dài dưới 15m có được phép cải hoán để tiếp tục tham gia hoạt động theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ nữa hay không? Vấn đề này, đồng chí Phó Giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT nêu rõ: Đây là quy định của Chính phủ, được thể hiện cụ thể tại Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8-3-2019. Tuy nhiên, tại khoản 11, Điều 73 (điều khoản chuyển tiếp) của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP cho phép đối với “Các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản đã được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục áp dụng đến khi hết thời gian áp dụng chính sách hoặc có văn bản thay thế, hủy bỏ”. Vấn đề này các địa phương của 28 tỉnh, thành phố có biển đều vướng mắc và đã có báo cáo về Bộ NN&PTNT, hiện tại Bộ đang tiếp thu và sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các đại biểu đã đặt câu hỏi cụ thể, sát thực tế. Việc trả lời của lãnh đạo các sở, ngành đúng chức năng, nhiệm vụ, đi thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm. Đồng chí yêu cầu các đại biểu nghiêm túc tiếp thu tinh thần trả lời của các đơn vị để có cơ sở tuyên truyền, giải thích lại cho cử tri rõ, hiểu đúng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.