Kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019)

Xây dựng giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ hội nhập

Trải qua 90 năm hình thành và phát triển, giai cấp công nhân (GCCN), tổ chức Công đoàn (CĐ) Việt Nam luôn phát huy vai trò tiên phong, là lực lượng nòng cốt đi đầu, cùng với nhân dân cả nước viết nên trang sử vẻ vang, truyền thống hào hùng của dân tộc trong mỗi thời kỳ cách mạng.

Năm 1919, trước sự bóc lột, đàn áp dã man của thực dân Pháp, người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng đã sáng lập Tổ chức Công hội tại Ba Son - Sài Gòn, với mục đích: Đấu tranh bênh vực quyền lợi cho công nhân, đấu tranh chống đế quốc tư bản. Đây chính là tổ chức CĐ sơ khai tại Việt Nam. Đến năm 1929 là thời điểm phong trào công nhân và hoạt động CĐ ở nước ta phát triển sôi nổi nhất, đòi hỏi phải có một tổ chức Công hội thống nhất. Vì vậy, Đông Dương Cộng sản Đảng đã giao cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Uỷ viên lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng triệu tập Đại hội thành lập Công hội đỏ Bắc kỳ vào ngày 28-7-1929 tại số nhà 15 Hàng Nón, Hà Nội, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và CĐ Việt Nam - lần đầu tiên GCCN Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động. Đó vừa là kết quả tất yếu của sự trưởng thành về chất lượng của GCCN nước ta, vừa là thắng lợi của đường lối công vận của Nguyễn Ái Quốc và Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời cũng đáp ứng nhu cầu cấp thiết về tổ chức của phong trào công nhân Việt Nam. Chính vì ý nghĩa đó, theo đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 28-7-1929 là Ngày truyền thống của CĐ Việt Nam.

Cùng với tình hình và bối cảnh chung của cả nước, trong những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Ninh Thuận tuy là tỉnh nhỏ nhưng thực dân Pháp đã thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, lập nhà Chung, mở đồn điền; đầu tư xây dựng đường giao thông, các công sở, tòa sứ, nhà dây thép, kho bạc... để phục vụ cho sự cai trị, khai thác thuộc địa. Năm 1899, đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt được xây dựng, sau đó nối liền với đường sắt Biên Hòa, Nha Trang; đến năm 1925 Sở Muối Cà Ná ra đời... Đây là những tín hiệu cho thấy GCCN tỉnh Ninh Thuận sớm được hình thành.

Đầu năm 1930, ngọn lửa cách mạng nhen nhúm trong công nhân lao động Đề-pô xe lửa Tháp Chàm, thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Ninh Thuận. Lúc bấy giờ GCCN tỉnh nhà có sự lãnh đạo của Đảng. Nhân các ngày 1-5-1930, 14-7-1930... đã tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, đấu tranh đòi tự do bình đẳng, phản đối chính sách bóc lột của thực dân Pháp, ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh... Từ đó đến nay GCCN tỉnh nhà liên tục phát triển về số lượng lẫn chất lượng, luôn sát cánh cùng quân và dân một lòng theo Đảng đấu tranh cách mạng cho đến ngày thống nhất đất nước. Sau ngày miền Nam giải phóng và nhất là từ khi tái lập tỉnh đến nay, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động có sự trưởng thành đáng kể, là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới của Đảng, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị địa phương.

Cùng với sự phát triển của GCCN, hoạt động CĐ tỉnh nhà có nhiều khởi sắc. Hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng CĐ các cấp đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Tỉnh ủy, Tổng LĐLĐ Việt Nam vào tình hình thực tiễn của địa phương. Từ những kết quả hoạt động CĐ trong những năm qua đã tạo sự chuyển biến về nhận thức chính trị, ý thức chấp hành pháp luật của đoàn viên và người lao động (NLĐ). Phong trào văn hóa, thể thao được duy trì và có bước phát triển, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho NLĐ. Đặc biệt, CĐ đã thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng; tập trung củng cố, xây dựng tổ chức ngày càng vững mạnh; tổ chức sâu rộng và đạt hiệu quả thiết thực các phong trào thi đua, qua đó phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của đông đảo đoàn viên, NLĐ. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xuất sắc được nhân rộng; nhiều công trình, sản phẩm mới được ra đời, đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Với những thành tích đạt được trong những năm qua, LĐLĐ tỉnh vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước trao tặng.

Phát huy những thành tích đạt được, đội ngũ cán bộ, đoàn viên CĐ trong tỉnh sẽ ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, với phương châm: Vì quyền, lợi ích của đoàn viên và NLĐ, vì sự phát triển bền vững của tỉnh nhà; tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, xây dựng tổ chức CĐ thật sự vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Để đạt được yêu cầu đó, trong những năm tới các cấp CĐ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Công nhân Công ty May Tiến Thuận tích cực thi đua lao động giỏi. Ảnh: Văn Nỷ

Huy động sức mạnh thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Trọng tâm là đẩy mạnh việc thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; chủ động tham gia xây dựng và kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động; thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe, tiếp thu ý kiến và phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; bảo đảm CĐ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thật sự là chỗ dựa đáng tin cậy của đoàn viên, NLĐ.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và phát huy hiệu quả các chương trình, các hoạt động chăm lo lợi ích thiết thực cho đoàn viên, NLĐ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, là điểm quan trọng tập hợp, thu hút NLĐ đến với tổ chức CĐ. Tập trung tổ chức các phong trào thi đua theo hướng có chất lượng, hiệu quả thiết thực, thật sự là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; góp phần khẳng định vai trò của tổ chức CĐ và lực lượng đoàn viên, CNVC-LĐ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động theo hướng đa dạng về hình thức, phương pháp, bảo đảm chất lượng; chú trọng các hoạt động nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho đoàn viên, NLĐ.

Chú trọng công tác phát triển, nâng cao chất lượng đoàn viên đi đôi với tăng cường quản lý, xây dựng CĐ các cấp vững mạnh. Thường xuyên củng cố tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh...

Với sự quyết tâm, đoàn kết của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, NLĐ, cùng sự quan tâm lãnh chỉ đạo của CĐ cấp trên, của Tỉnh ủy; sự phối hợp nhiệt tình của các ban, ngành, đoàn thể sẽ đã tạo điều kiện, hỗ trợ, giúp đỡ tổ chức CĐ tỉnh nhà tiếp tục vượt qua những khó khăn, thử thách; kịp thời nắm bắt thời cơ, thuận lợi, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng GCCN và tổ chức ngày càng vững mạnh, góp phần đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững theo hướng văn minh, hiện đại.