Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển

Vì tình yêu thiên nhiên, các bạn trẻ từ khắp nơi trên cả nước, với đủ ngành nghề khác nhau đã tụ họp về Vườn Quốc gia (VQG) Núi Chúa để tham gia công tác tình nguyện viên (TNV) bảo vệ rùa biển, dạy học cho trẻ em và làm sạch bờ biển.

“Vệ sỹ” của rùa biển

Một đêm hè cuối tháng 7, Trần Thanh Hải và các bạn TNV lại bắt đầu công việc hàng ngày của mình đó là đi tuần tra, bảo vệ cho rùa lên bờ để đẻ trứng. Đây là công việc tuy mới mẻ nhưng đem lại cho Hải rất nhiều cảm xúc. Dẫn chúng tôi đi giữa màn đêm tĩnh lặng của khu vực Bãi Thịt, Hải nói rất nhỏ: Mình phải đi tuần tra dọc bờ biển xem có rùa lên đẻ hay không. Nếu có rùa lên phải quan sát nhằm nhận ra rùa mẹ đang gặp khó khăn gì để có thể giúp đỡ đẻ trứng an toàn. Các động tác phải thật nhẹ nhàng vì rùa sợ tiếng động, nếu cảm thấy không an toàn chúng sẽ không lên bờ đẻ trứng. Tuy chỉ là một TNV nhưng xem ra Hải đã nắm rất rõ về đặc tính của loài rùa biển.

Hải là một trong rất nhiều TNV đã tham gia vào hoạt động bảo tồn rùa biển tại VQG Núi Chúa trong những năm qua. Là chủ của cơ sở kinh doanh xe máy tại Tp. Biên Hòa (Đồng Nai) nhưng vì tình yêu thiên nhiên, hàng năm Hải vẫn dành ra một khoảng thời gian nhất định để tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, thiên nhiên tại các khu bảo tồn trên cả nước. Nói về công tác TNV tại VQG Núi Chúa, Hải chia sẻ: Qua tìm hiểu thì mình biết tại Việt Nam chỉ còn rất ít nơi rùa biển lên đẻ trứng, trong đó VQG Núi Chúa là điểm hiếm hoi rùa biển lên đẻ trứng trong đất liền. Mình tham gia hoạt động TNV ở đây với mong muốn góp một phần công sức nhỏ bé để chung tay bảo vệ loài rùa biển đang suy giảm nghiêm trọng như hiện nay.

Các bạn tình nguyện viên tham gia công tác cứu hộ rùa biển.

Còn đối với anh Nguyễn Trí Thành, giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm TP.Hồ Chí Minh được tham gia vào công tác bảo vệ loài rùa biển là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời, Thành chia sẻ: Mình rất yêu thích công tác tình nguyện và đã đi rất nhiều nơi nhưng công tác bảo tồn rùa biển lần đầu tiên mình tham gia. Các hoạt động ở đây rất ý nghĩa bởi vì ngoài việc chăm sóc rùa đẻ vào ban đêm còn lồng ghép vào các hoạt động nhặt rác làm sạch bãi biển và dạy học cho trẻ em ở các thôn lận cận. Nhất định trong những năm tới mình sẽ tiếp tục đăng kí để tham gia hoạt động TNV bảo vệ rùa biển tại đây.

Cứ đến dịp hè từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm là mùa rùa biển lên bờ đẻ trứng. Thời gian này, nhóm TNV từ khắp mọi miền đất nước thuộc Câu lạc bộ Gia đình em yêu thiên nhiên Việt Nam đăng ký tham gia công tác tình nguyện tại VQG Núi Chúa. Khi tham gia, tất cả TNV phải trải qua một khóa tập huấn tìm hiểu về rùa biển, phải có sức khỏe tốt và phải làm bản cam kết cá nhân với Ban Quản lý VQG Núi Chúa. Khi hoạt động, các bạn TNV được chia ra thành các nhóm, mỗi nhóm từ 8 đến 15 người, tham gia tình nguyện trong thời gian 1 tuần, hết tuần thì sẽ tới lượt nhóm khác. Công việc hàng ngày của nhóm là phối hợp với Ban Quản lý VQG Núi Chúa thực hiện công tác tuần tra, canh rùa đẻ tại khu vực Bãi Thịt, Bãi Ngang vào ban đêm, còn ban ngày vào sáng thứ Hai, Tư, Sáu hàng tuần sẽ dạy học Tiếng Anh và Tin học cho trẻ em quanh vùng đệm VQG Núi Chúa. Thông qua chương trình dạy học, các bạn TNV sẽ lồng ghép vào các hoạt động Giáo dục môi trường, giúp hình thành thói quen tốt trong việc bảo môi trường, thiên nhiên cho trẻ em khu vực xung quanh vùng đệm. Ngoài ra, các bạn TNV còn phối hợp với cán bộ Ban quản lý VQG Núi Chúa tham gia công tác vệ sinh môi trường, thu gom rác thải tại các điểm tham quan du lịch của Vườn.

Chung tay bảo tồn loài rùa biển

Theo thống kê, tại các khu vực biển Bãi Thịt, Bãi Hõm, Bãi Ngang thuộc VQG Núi Chúa có 3 loài rùa biển đến sinh sản gồm rùa xanh, đồi mồi, quản đồng. Hàng năm, có khoảng 100 lượt rùa lên đẻ. Ngoài 30 tuổi, rùa mới trưởng thành và có khả năng sinh sản. Mỗi con vào mùa sinh sản đẻ từ 1 đến 10 ổ, mỗi ổ từ 52 đến 130 trứng. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tần suất và số lượng rùa biển lên các bãi cát đào tổ để đẻ trứng ngày càng ít đi. Những nguyên nhân khiến rùa biển ít xuất hiện và ít lên tìm bãi đẻ trứng là tình trạng biến đổi khí hậu, nắng hạn ở Ninh Thuận kéo dài khiến lớp cát không đủ độ ẩm thích hợp để làm tổ đẻ trứng nên rùa quay trở lại biển. Các hoạt động khai thác tận diệt như đánh mìn, sử dụng hóa chất độc hại, khai thác san hô làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của rùa biển... Do đó, hoạt động của các bạn TNV bảo vệ rùa biển tại VQG Núi Chúa càng trở lên có ý nghĩa hơn.

Ông Phạm Anh Dũng, Phó Phòng Bảo tồn biển, VQG Núi Chúa cho biết: Chương trình TNV bảo vệ rùa biển tại VQG Núi Chúa hiện nay đã thực hiện nhiều năm ở Việt Nam. Bên cạnh việc cùng cán bộ đi tuần tra, bảo vệ rùa lên bờ đẻ trứng, các bạn TNV còn tích cực tham gia công tác tuyên truyền, vận động người dân đang nuôi nhốt rùa biển tại hộ gia đình giao lại cho đơn vị để thực hiện công tác bảo tồn, thả về với tự nhiên. Đến nay, sau 3 năm hoạt động các bạn TNV đã vận động các hộ dân đã tự nguyện giao 19 con rùa để thả về biển. Ngoài ra, các TNV còn là một kênh tuyên truyền về môi trường, thiên nhiên rất hiệu quả, được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao, đặc biệt là họ đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư xung quanh vùng đệm VQG Núi Chúa về công tác bảo vệ thiên nhiên.