Hoàn thành sắp xếp quy hoạch các cơ quan báo chí theo Quyết định số 362/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ

Theo báo nhanh của UBND tỉnh, thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 3-4- 2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Qua rà soát đối chiếu các quy định của Quyết định số 362/QĐ-TTg và căn cứ tình hình thực tế hiện nay, các cơ quan báo chí của tỉnh đã hoạt động đúng theo lộ trình Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành, không cần phải sắp xếp quy hoạch lại.

Tại điểm đ, khoản 1, mục III định hướng, phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện theo Quyết định số 362/QĐ-TTg, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh và 1 cơ quan tạp chí thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; tại điểm d, khoản 2, mục III của quyết định này, mỗi tỉnh có 1 Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH), mỗi đài chỉ có 1 kênh phát thanh, 1 kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu. Đối chiếu với địa phương, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có duy nhất 1 cơ quan Báo Ninh Thuận thuộc Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận; 1 Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh-Cơ quan chủ quản UBND tỉnh và 1 Tạp chí Văn nghệ Ninh Thuận thuộc Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh. Bên cạnh đó, Tại điểm a, khoản 3, mục III định hướng, phương án sắp xếp lộ trình thực hiện của Quyết định số 362/QĐ-TTg quy định đối với Báo điện tử các cơ quan, tổ chức được có cơ quan báo, tạp chí in như quy định tại khoản 1 mục III thì được phép có báo, tạp chí điện tử. Vì vậy, trên địa bàn tỉnh hiện nay có 1 Báo điện tử Ninh Thuận, cơ quan chủ quản là Báo Ninh Thuận, hoạt động theo giấy phép số 405/2011/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cấp phép. Các cơ quan cấp sở, ngành không có cơ quan báo chí. Do vậy, căn cứ tình hình thực tế hiện nay, các cơ quan báo chí của tỉnh đã hoạt động đúng theo lộ trình Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành, không nằm trong diện phải sắp xếp quy hoạch lại.

Cán bộ kỹ thuật Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh sản xuất chương trình chuẩn bị phát sóng. Ảnh: VM

Về hoạt động, các cơ quan báo chí hoạt động tại Ninh Thuận hiện nay đã có đủ 4 loại hình báo chí là báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử. Báo Ninh Thuận phát hành các ấn phẩm: Báo in thường kỳ 4 kỳ/tuần; tin ảnh phục vụ miền núi: 1 kỳ/tháng. Ngoài ra, Báo còn xuất bản hai số Ấn phẩm đặc biệt (Ấn phẩm đặc biệt Tháng 4 nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Ninh Thuận (16-4) và Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và Ấn phẩm đặc biệt Xuân-Mừng Đảng mừng xuân); sách người tốt, việc tốt một số/năm. Phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam xuất bản báo ảnh Việt-Chăm phục vụ đồng bào Chăm 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Báo điện tử Ninh Thuận hoạt động 24/24 giờ. Tạp chí Văn Nghệ Ninh Thuận xuất bản 2 tháng/kỳ. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh hoạt động với 1 kênh phát thanh và 1 kênh truyền hình, mục đích quảng bá nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận có các đơn vị xin xuất bản bản tin định kỳ do Sở TT&TT cấp phép; 3 Văn phòng đại diện báo chí Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh và một số cơ quan báo chí chưa có Văn phòng đại diện nhưng đã cử phóng viên thường trú và phóng viên chuyên trách theo dõi, đưa tin thường xuyên về Ninh Thuận. Các cơ quan báo chí đã phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, biểu dương phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội, góp phần tích cực trong việc cập nhật thông tin đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, đảm nhiệm tốt vai trò là tiếng nói của Đảng và Nhà nước; đồng thời là diễn đàn để các tầng lớp nhân dân tham gia ý kiến xây dựng, bảo vệ đất nước, xây dựng tỉnh nhà.

Để triển khai hiệu quả sắp xếp quy hoạch các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, UBND tỉnh giao Sở TT&TT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai quán triệt tổ chức thực hiện Quyết định số 362/QĐ-TTg và Nghị quyết số 23/2019/NQ-CP của Chính phủ; các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh rà soát lại tôn chỉ, mục đích để cấp lại giấy phép, sửa đổi, bổ sung giấy phép, đảm bảo phù hợp với định hướng quy hoạch báo chí và Luật Báo chí, các thông tư hướng dẫn của Bộ TT&TT. Các cơ quan báo in và tạp chí in đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả, vùng miền. Tỉnh tập trung đầu tư ngân sách cho cơ quan báo chủ lực, thực hiện cơ chế đặt hàng đối với một số báo và tạp chí phục vụ các nhiệm vụ chính trị được xác định. Đài PT&TH tỉnh tập trung sản xuất chương trình, bảo đảm thời lượng phát sóng chương trình sản xuất trong nước của kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương đạt tỷ lệ tối thiểu 70% tổng thời lượng phát sóng trong 1 ngày của từng kênh chương trình. Phấn đấu đến năm 2025, Đài PT&TH tỉnh tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên. Nhà nước có cơ chế hỗ trợ đặt hàng đối với các kênh, chuyên mục, chương trình phục vụ các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu.