Cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch

Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại địa bàn thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) gây thiệt hại đối với hộ nuôi khá nặng nề. Từ bài học ở điểm xuất hiện ổ dịch, đòi hỏi các hộ chăn nuôi và địa phương cần rút kinh nghiệm để chủ động và quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch.

Bài học từ nơi xuất hiện ổ dịch

Theo báo cáo của UBND huyện Ninh Sơn, tính đến ngày 3-9, huyện Ninh Sơn đã tiêu hủy 59 con lợn với tổng trọng lượng hơn 11.000 kg, tương đương mức thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Điều đáng lo ngại là tại hộ ông Đỗ Tấn Đức, ở khu phố 1 thị trấn Tân Sơn, nơi phát hiện dịch vẫn còn đàn lợn hơn 300 con, đang tiếp tục bị bệnh và chết rải rác từng ngày. Theo quan sát của chúng tôi, tại khu vực nuôi của hộ ông Đức, có hai khu vực nuôi riêng biệt nhưng cách nhau không xa. Hiện nay, biểu hiện bệnh DTLCP chỉ mới xuất hiện trên trên đàn lợn nái và lợn con ở khu vực trại nuôi giống. Còn đàn lợn thịt ở chuồng bên cạnh vẫn chưa có biểu hiện bệnh. Chính vì vậy, mặc dù sau khi có kết quả thông báo lợn bị dịch tả Châu Phi ở chuồng bên này, nhưng gia đình vẫn tranh thủ xuất bán 20 con lợn thịt ở chuồng bên cạnh vào ngày hôm sau. Trong điều kiện chuồng nuôi hở, các điều kiện về đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học còn thiếu, biện pháp cách ly không chặt chẽ, do cùng một người chăm sóc cả 2 khu vực nuôi, sử dụng chung dụng cụ, khu chế biến thức ăn và chưa thực hiện nghiêm ngặt việc khử trùng… thì nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh sang đàn lợn ở khu chuồng bên cạnh là điều khó tránh khỏi.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, tiêu độc khử trùng phương tiện ra vào vùng dịch.

Nguy hiểm hơn là trước đó, từ ngày 7-8-2019, tại hộ nuôi của ông Nguyễn Kế Đăng Trường, ở gần đó cũng đã xuất hiện 5 con lợn chết và 7 con lợn bệnh trong trại nuôi có số lượng đàn trên 200 con. Ngoài số lợn chết và bệnh đã được tiêu hủy, thì số lợn còn lại đã được gia đình bán hết ra ngoài thị trường, trước khi có kết quả công bố dịch. Như vậy, mầm bệnh đã không được phát hiện, kiểm soát chặt chẽ, kịp thời ngay từ đầu, nên nguy cơ phát tán, lây lan bệnh ra ngoài vùng dịch trước đó là rất lớn. Theo thông tin chúng tôi mới nhận được từ UBND huyện Ninh Sơn vào chiều ngày 5-9 đã ghi nhận thêm một số cá thể lợn rừng lai ở một hộ dân khác thuộc khu phố 4, thị trấn Tân Sơn cũng đã xảy ra. Theo chia sẻ của anh Đỗ Tấn Đức, chủ hộ nuôi có lợn bị dịch, nếu không kiểm soát chặt chẽ ở khâu tiêu thụ, khử trùng các phương tiện và cách ly chuồng trại thì khó tránh khỏi dịch bệnh lây lan và rất khó kiểm soát.

Cần quyết liệt, chủ động hơn nữa trong phòng và dập dịch

Mặc dù ngay sau khi có thông báo mẫu bệnh phẩm dương tính với DTLCP, cùng với việc công bố dịch, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương đã tiến hành lập chốt kiểm dịch, giám sát chặt chẽ khu vực xảy ra dịch bệnh và tiếp tục lấy mẫu số lợn còn lại để xử lý. Nhưng trong điều kiện hiện nay, thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác phòng và dập dịch, bởi gần khu vực xuất hiện dịch thuộc khu phố 1, thị trấn Tân Sơn vẫn còn 3 trang trại và 1 gia trại nuôi lợn với tổng đàn trên 2.000 con, trong khi đó điều kiện nuôi tại các chuồng trại ở đây chưa đảm bảo, chủ yếu là chuồng hở, chưa thực hiện tốt việc nuôi an toàn sinh học như khuyến cáo của ngành chăn nuôi. Việc rải vôi khử khuẩn, phun thuốc sát trùng tuy đã được thực hiện, nhưng trong điều kiện mưa ẩm, gió lớn khiến tác dụng và hiệu quả mang lại không được tối ưu hóa. Lượng vôi bột vừa được rải xuống, đã bị gió thổi bay đi gần hết…

Trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp khó lường, khả năng lây nhiễm cao, UBND tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp phòng dịch. Trong đó UBND tỉnh giao cho các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, thực hiện test nhanh 100% lô lợn nhập vào tỉnh để giết mổ. Duy trì trực 24/24 giờ tại các trạm, chốt kiểm dịch để kiểm tra, giám sát dịch bệnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các huyện, thành phố bố trí nhân lực, trang thiết bị chủ động thực hiện các giải pháp phòng dịch với quyết tâm cao nhất “phòng là chính, cơ sở, người dân là chính” để dập tắt ngay các ổ dịch mới xâm nhiễm; tổ chức kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ, tiêu độc khử trùng các phương tiện ra, vào vùng dịch, tuyệt đối không đưa lợn vào vùng dịch; tiếp tục triển khai nghiêm túc, đồng loạt, đúng tần suất theo quy định việc tiêu độc khử trùng tại các vùng bị uy hiếp và vùng đệm; tập trung những nơi mua bán, giết mổ, tập kết, trung chuyển và các chuồng trại chăn nuôi. Mặt khác, thông tin cho người dân biết tình hình dịch bệnh để nâng cao nhận thức thực thực hiện các biện pháp phòng ngừa, chăn nuôi an toàn sinh học; khuyến khích người nuôi nên xuất chuồng sớm đối với lợn đủ trọng lượng.

Theo ông Trương Khắc Trí, Chi cục Trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y, để phòng bệnh và khống chế dịch hiệu quả, người dân khi phát hiện đàn lợn có biểu hiện bất thường chết nhanh, chết nhiều kịp thời thông báo cho lực lượng chức năng. Nghiêm túc thực hiện “5 không”: không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa cho lợn ăn mà chưa qua xử lý nhiệt. Bệnh DTLCP có độc lực rất mạnh và có nguy cơ gây thiệt hại cao, do đó cần tuân thủ nghiêm các biện pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn.