Tháo gỡ khó khăn để phòng, dập dịch hiệu quả

Thời gian qua, công tác phòng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại các địa phương đã được triển khai hết sức tích cực, tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn đòi hỏi cần sớm khắc phục để việc phòng và dập dịch hiệu quả hơn nữa trong điều kiện nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát tại các địa phương trong tỉnh.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, DTLCP đã xảy ra tại 15 hộ, thuộc 7 xã, thị trấn của 3 huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc và Bác Ái với số lợn bệnh phải tiêu hủy là 482 con, tổng trọng lượng 29.216 kg. Ổ dịch mới nhất được phát hiện gần đây tại 2 xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) và tại xã Phước Tiến (Bác Ái) đã làm vùng dịch trở nên rộng và khó khăn thêm cho công tác kiểm soát, dập dịch. Theo ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, qua kiểm tra dịch tễ, bệnh DTLCP đang có chiều hướng lây lan nhanh ra các xã khác. Trong khi đó, khó khăn cho công tác phòng dịch hiện nay là tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đáp ứng các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát mầm bệnh chưa chặt chẽ. Có tình trạng hộ nuôi còn để thương lái vào tận chuồng bắt lợn vận chuyển đi không qua việc tiêu độc khử trùng, hạn chế nguồn lây bệnh. Trong điều kiện thời tiết mưa ẩm hiện nay cũng tạo thuận lợi cho mầm dịch phát triển mạnh và nguy cơ lây nhiễm tăng nếu không chủ động, quyết liệt các biện pháp phòng dịch.

Người dân huyện Ninh Sơn tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi lợn.

Các địa phương cũng rất lo ngại, dịch có thể sẽ tiếp tục phát tán, lan rộng qua nguồn nước từ các hệ thống kênh mương chảy từ vùng có dịch về các vùng hạ lưu lân cận. Một nguy cơ tiềm ẩn có thể mang nguồn bệnh lan rộng, đó là qua rác thải từ các phương tiện vận chuyển ở vùng có dịch qua các vùng khác. Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho biết: Quá trình tiêu hủy lợn bệnh tại các địa phương cũng phát sinh một số khó khăn do vị trí tiêu hủy dự kiến ban đầu lại cách xa khu vực xảy ra ổ dịch; khi tổ chức tiêu hủy gặp sự phản ứng của người dân ở gần đó nên phải tìm kiếm vị trí tiêu hủy ở nơi khác cho phù hợp. Mặt khác, theo quy định tại các vùng dịch phải lập chốt kiểm soát bố trí lực lượng túc trực 24/24 giờ để phun thuốc khử trùng tất cả các phương tiện ra vào; cấm không cho vận chuyển lợn ra, vào vùng dịch. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt tại các chốt, trạm đều khó đảm bảo để lực lượng ứng trực ăn nghỉ và làm việc tại chỗ trong thời gian dài.

Điều khó khăn nhất là nhân lực thú y cơ sở còn quá mỏng, trong khi khối lượng công việc chuyên môn phục vụ phòng, chống dịch là rất lớn, việc ký kết hợp đồng để tăng cường lực lượng phòng chống dịch là không thể thực hiện được do vướng các quy định. Các địa phương vùng chưa có dịch cũng rất băn khoăn về nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng bệnh chưa được quy định rõ ràng cụ thể. Chỉ khi xảy ra bệnh dịch mới được chi nên công tác phòng ngừa giảm rủi do vẫn còn nhiều hạn chế.

Xác định DTLCP sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan nhanh, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch để sớm khống chế, giảm thiệt hại đối với ngành chăn nuôi nhất là ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ thực phẩm vào dịp cuối năm. Chú trọng việc tập trung khoanh vùng, xử lý ổ dịch và đẩy mạnh các biện pháp tiêu độc, khử trùng vùng nuôi, khu giết mổ gia súc không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng; đặc biệt không để lây nhiễm vào địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.

Theo đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, để khắc phục khó khăn, phòng, chống DTLCP hiệu quả, các ngành liên quan cần phối hợp, hướng dẫn các địa phương về kinh phí, trang thiết bị; tăng cường lực lượng thú y phục vụ công tác phòng chống dịch, vận dụng các quy định để thuê, mướn lực lượng đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn cấp bách hiện nay. Các địa phương cũng cần chủ động sử dụng nguồn kinh phí dự phòng và các nguồn vốn khác để triển khai thực hiện tốt công tác tiêu độc, khử trùng phòng dịch. Việc lập hồ sơ hỗ trợ thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân có lợn bị tiêu hủy cần phải tiến hành chặt chẽ, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách. Đối với các địa phương có dịch, khẩn trương thành lập và tăng cường hoạt động các chốt kiểm soát trực 24/24 giờ để thực hiện việc kiểm tra, giám sát, tiêu độc, khử trùng phương tiện ra, vào vùng dịch.