Tạo sự đồng thuận trong nhân dân hưởng ứng Chương trình phát triển năng lượng tái tạo

Cả tỉnh ta đang rất phấn khởi chứng kiến bước nhảy vọt trong thực hiện Chương trình xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, khi hiện nay đã có 18 dự án điện gió, điện mặt trời đi vào vận hành thương mại, công suất điện hòa lưới lên tới 1.178 MW.

Lợi ích từ khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển ngành kinh tế trụ cột là rất lớn. Theo báo cáo của Sở Công Thương, các dự án điện gió, điện mặt trời đóng góp lớn vào thu ngân sách của tỉnh, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Tuy vậy, đâu đó trong một bộ phận người dân vẫn còn lo lắng về tác động gây ô nhiễm môi trường của điện gió, điện mặt trời, ảnh hưởng đến sức khỏe con người cần được làm sáng tỏ để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội trong phát triển năng lượng tái tạo.

Phát triển điện gió kết hợp sản xuất nông nghiệp ở huyện Thuận Bắc. Ảnh: A.T

Trước lo lắng về hiện tượng các dự án điện mặt trời làm không khí nóng lên, chuyên gia Đặng Đình Thống, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu, gắn bó với lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, khẳng định: Ở vùng dự án, mức độ bức xạ mặt trời giảm, nhiệt độ cũng giảm do các tấm pin hấp thụ một phần ánh nắng mặt trời. Pin dùng sản xuất điện mặt trời không độc hại do thành phần chủ yếu là silic, vật liệu được sử dụng nhiều trong công nghệ bán dẫn, điện tử và một vài chất phụ gia. Sau 20 năm, khi hết vòng đời sản phẩm, chỉ cần nghiền nát tái chế thành thủy tinh sẽ không gây ảnh hưởng tới môi trường.

Theo các nhà khoa học, nếu nói về hạn chế, thì điểm yếu nhất của các dự án điện mặt trời là chiếm quỹ đất khá lớn (để sản xuất 1MW điện cần 1,7 ha đất). Tuy nhiên, để hạn chế mức tối đa sự ảnh hưởng của năng lượng tái tạo đến phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội khác, tỉnh ta có cách làm phù hợp. Cụ thể, đã tiến hành rà soát, hướng việc phát triển điện gió, điện mặt trời ở các khu vực đất hoang hóa, bạc màu, thiếu nước, sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả. Thực tế, các dự án điện gió, điện mặt trời đầu tư trên địa bàn tỉnh đã biến những khu vực đá sỏi, khô hạn thành những khu công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tỉnh đang có chủ trương ưu tiên các nhà đầu tư thực hiện mô hình phát triển năng lượng tái tạo kết hợp nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Nhà máy Điện mặt trời BIM 2 (Thuận Nam) hòa vào lưới điện quốc gia. Ảnh: NAT

Cùng chung quan điểm, TS. Vũ Tuấn Anh, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam, nhìn nhận: Hầu hết các dự án điện mặt trời ở Ninh Thuận sử dụng pin mặt trời quang điện, nên không có tác động tiêu cực đến môi trường. Đối với những vùng đất khô cằn, thì việc che phủ bằng các tấm pin mặt trời có thể mang lại hiệu quả tích cực cho sự phát triển đa dạng hơn thảm thực vật và động vật do làm giảm nhiệt độ mặt đất và tăng độ ẩm cho sương ngưng đọng.

Tỉnh ta có tiềm năng lớn để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Lãnh đạo tỉnh có quyết tâm chính trị cao trong việc phát triển điện gió, điện mặt trời nhằm tạo mũi nhọn đột phá về phát triển kinh tế - xã hội. Để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong thực hiện chủ trương của tỉnh, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về tầm quan trọng của năng lượng tái tạo trong giai đoạn hiện nay cần được các ngành, các cấp quan tâm đúng mức.