Phỏng vấn Thứ trưởng bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai nhân ngày Nước thế giới 22-3-2011:

Nước cho phát triển đô thị

Ngày 22-3, tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Lễ mít-tinh quốc gia và các hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới năm 2011.

Đây là năm đầu tiên Bộ TN&MT tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước. Nhân dịp này,Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thái Lai, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ kỷ niệm Ngày Nước thế giới 2011 đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo TN&MT xung quanh vấn đề Nước cho phát triển đô thị.

- PV: Thưa Thứ trưởng, Ngày nước thế giới năm 2011 có chủ đề “Nước cho phát triển đô thị”. Đây là vấn đề được cả thế giới quan tâm trong bối cảnh tài nguyên nước đang đứng trước nguy cơ suy kiệt và ô nhiễm. Bộ TN&MT sẽ triển khai những hoạt động gì để hưởng ứng Ngày nước thế giới, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai:

Nước là sự sống!

Nước là tài nguyên quý giá!

Nước là tài nguyên có khả năng tự tái tạo, nhưng không phải là vô tận!

Không có nước, không thể phát triển KTXH!

Việt Nam không phải là quốc gia giàu nước!

Việt Nam đang cận kề một tương lai thiếu nước!

Đây chỉ là một số ví dụ về rất nhiều những thông điệp về tài nguyên nước (TNN) mà tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta đã được biết đến thông qua các kênh truyền thông khác nhau. Tuy nhiên, đằng sau những thông điệp ngắn gọn này là rất nhiều những thông tin, kiến thức, khái niệm và thực tiễn về TNN mà chúng ta cần biết để có thể nhận thức một cách đầy đủ, đúng đắn về nguồn tài nguyên đặc biệt và quan trọng này.

Tại Hội nghị thượng đỉnh LHQ về Môi trường và Phát triển được tổ chức tại Rio de Janeiro từ ngày 3 đến 14/6/1992, LHQ đã ra Nghị quyết lấy ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993.

Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm 2011 là “Nước cho phát triển đô thị” và thành phố Cape Town, Nam Phi đã được chọn là nơi tổ chức sự kiện này. Mục tiêu của Ngày Nước thế giới năm nay nhằm tập trung sự chú ý của quốc tế vào các thách thức và sức ép ngày càng gia tăng tới nguồn nước từ quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp, những bất ổn do biến đổi khí hậu, thiên tai và các mâu thuẫn - thậm chí tranh chấp - giữa các đối tượng sử dụng nước ở đô thị. Với chủ đề này, LHQ muốn khuyến khích các Chính phủ, tổ chức, cộng đồng và cá nhân trên thế giới chủ động tham gia giải quyết các thách thức đối với công tác quản lý TNN trong bối cảnh đô thị hóa.

Trong khuôn khổ của Chương trình kỷ niệm Ngày Nước thế giới năm 2011, một chuỗi các hoạt động bên lề đã được Bộ TN&MT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị và triển khai thực hiện từ đầu tháng 3. Các hoạt động bao gồm: Phát sóng chuỗi phim tài liệu về TNN, phát thanh các bài viết, câu chuyện về TNN, tổ chức triển lãm, phát hành tờ rơi, băng rôn, biểu ngữ và các hoạt động khác để hưởng ứng sự kiện quan trọng này. Đặc biệt trong hai ngày 21 và 22-3-2011, lễ mít-tinh quốc gia kỷ niệm Ngày Nước thế giới được Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm với sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế, các cơ quan đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Trong hai ngày này, Bộ TN&MT sẽ chủ trì các cuộc hội thảo, tọa đàm, diễu hành, phát sóng các bộ phim tài liệu về TNN, đạp xe diễu hành cổ động và các hoạt động khác.

Tôi mong rằng, sau những hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm Ngày Nước thế giới sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân, từ đó có những hành động đúng đắn trong việc bảo vệ, khai thác và sử dụng có hiệu quả TNN.

- PV: Theo Thứ trưởng, những yếu tố quan trọng nào để bảo vệ và sử dụng TNN ở các đô thị bền vững?

- Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một nửa dân số nhân loại (khoảng 3,3 tỷ người) hiện sinh sống tại các đô thị và quá trình đô thị hóa này vẫn không ngừng gia tăng. Dự báo trong vòng hai thập kỷ tới, gần 60% dân số thế giới (khoảng 5 tỷ người) sẽ trở thành cư dân đô thị. Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh nhất tại các nước đang phát triển, nơi mà cứ mỗi tháng lại có thêm 5 triệu người đến sinh sống tại các đô thị. Ở châu Phi và châu Á, dân số đô thị sẽ tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2030. Trong các thập kỷ tiếp theo, khoảng 95% tăng trưởng dân số đô thị sẽ tập trung ở các nước đang phát triển.

Quá trình đô thị hóa đặt ra những thách thức to lớn đối với công tác quản lý TNN, cấp nước, vệ sinh, hệ sinh thái và môi trường trong đó mối quan hệ giữa nguồn nước và đô thị là rất mật thiết. Các đô thị với nhu cầu không gian, nhu cầu nước, lương thực cũng như lượng sản sinh nước thải, chất thải rất lớn của mình đang tạo ra những sức ép ngày càng gia tăng tới hệ thống các nguồn nước và hệ sinh thái thủy sinh. Các hệ lụy và tác động qua lại này không chỉ giới hạn trong phạm vi đô thị mà bao trùm cả vùng nông thôn liền kề, đặc biệt là không gian chuyển tiếp giữa hai vùng - hay mối giao thoa giữa đô thị và nông thôn. Các vấn đề này trở nên trầm trọng hơn ở những đô thị có mức độ dễ bị tổn thương cao trước các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Quá trình đô thị hóa sẽ không thể bền vững nếu không có những giải pháp hữu hiệu để đối phó với các thách thức này.

- PV: Ở nước ta, nhu cầu dùng nước cho đô thị ngày càng tăng lên nhanh chóng, trong khi đó nguồn nước ở các đô thị lại đang suy giảm. Việc đảm bảo nguồn nước cả về số lượng và chất lượng cho các đô thị là vấn đề được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Là cơ quan quản lý Nhà nước về TNN, Bộ TN&MT đã và đang triển khai những công việc gì để khắc phục tình trạng trên, thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai: Ở Việt Nam, quá trình đô thị hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Năm 2009, cả nước có 747 đô thị từ loại 5 trở lên và cứ trung bình hơn một tháng lại có thêm một đô thị mới ra đời. Dự báo trong vài thập kỷ tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có nền kinh tế đô thị.

Việc lồng ghép quản lý môi trường, sinh thái và tài nguyên thiên nhiên (trong đó đặc biệt là TNN) vào quy hoạch phát triển đô thị chưa được chú trọng. Hệ quả là sự xuống cấp về môi trường đô thị giống như tình trạng ở rất nhiều quốc gia có thu nhập trung bình khác trên thế giới. Do điều kiện tự nhiên và sự gia tăng dân số, tính sẵn có của các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đặc biệt là TNN) không theo kịp sự phát triển. Thách thức này trở nên lớn hơn khi đặt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và tốc độ đô thị hóa cao.

Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu bảo đảm sự phồn thịnh của đô thị và việc quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên này mang tính sống còn. Nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn do tính chất xuyên suốt của hệ thống nguồn nước trong tự nhiên, theo đó các vùng nông thôn là nơi cung cấp nguồn nước cho các khu vực đô thị. Do đó, công tác quản lý TNN ở cả khu vực đô thị và nông thôn có tầm quan trọng đặc biệt, với nhiều mục tiêu khác nhau như sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, cấp nước sinh hoạt và cải thiện điều kiện sống của cư dân đô thị đặc biệt là cộng đồng nghèo. Điều này đòi hỏi phải có chiến lược mang tính tổng thể, có sự phối hợp và lồng ghép cao giữa các quy hoạch ngành, có tính đến mối tương tác giao thoa giữa đô thị và các vùng phụ cận. Nếu không được hoạch định và thực hiện một cách đúng đắn và hiệu quả, quá trình đô thị hóa quá nhanh sẽ làm gia tăng tình trạng nghèo đói, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái môi trường và các hệ sinh thái, ngăn cản việc đạt được các Mục tiêu thiên niên kỷ.

Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á (ngoại trừ Singapore) trong đó có Việt Nam đều là những quốc gia đang phát triển, chưa có đủ năng lực ứng phó với tất cả các thách thức phức tạp của đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Do vậy, nhu cầu cấp bách trước mắt là nâng cao nhận thức, khuyến khích thúc đẩy các cách tiếp cận mới trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý. Việc từng bước tiệm cận quản lý tổng hợp TNN trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu có tầm quan trọng đặc biệt, với sự tham gia rộng rãi hơn của các chủ thể và bên liên quan. Cần xem xét một cách đầy đủ mối tương tác hữu cơ giữa hệ thống các nguồn nước với phạm vi và không gian khu vực đô thị - nông thôn. Và hơn hết, nhất thiết phải thiết lập được cơ chế điều phối liên ngành ở các cấp ra quyết định khác nhau.

Không có nhận thức thì sẽ không có hành động! Chính vì vậy, trong các nhiệm vụ của mình, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về tầm quan trọng của TNN, việc khai thác sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cũng như giữ gìn và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này đã được xác định là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Bộ TN&MT hiện nay cũng như trong thời gian tới.

Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Chính phủ, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực TNN, như Chiến lược quốc gia về TNN đến năm 2020 được ban hành theo Quyết định số 81/2006/QĐ-TTg ngày 14/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị định 149/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định cấp phép khoan, thăm dò, khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước; Nghị định số 120/2008/NĐ-CP về quản lý lưu vực sông... tạo ra hành lang pháp lý cho việc quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này.

Bộ đang chỉ đạo các đơn vị chức năng hoàn thiện đề án bảo vệ nước dưới đất ở các đô thị. Theo đề án, nguồn nước 9 đô thị lớn: Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Thái Nguyên, Hải Dương, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Bà Rịa - Vũng Tàu và Mỹ Tho được đề xuất bảo vệ. Ngoài ra, Bộ đã và đang cùng các tỉnh triển khai lập quy hoạch TNN lưu vực sông và vùng lãnh thổ gồm lưu vực sông Mã, Cả, Lô Gâm, Đồng Nai, Ba, Cầu, Hương, các vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam, vùng Cực nam Trung Bộ, vùng bán đảo Cà Mau và đảo Phú Quốc.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!