Đẩy mạnh công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, huyện Bác Ái đã có kế hoạch và hành động cụ thể với quyết tâm giảm đến mức thấp nhất tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng tảo hôn tại địa phương vẫn còn diễn ra khá phổ biến.

Huyện Bác Ái có trên 31.500 nhân khẩu, trong đó đồng bào Raglai chiếm tỷ lệ trên 87%. Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực của các chương trình, dự án như: Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình 167,… trong việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, an sinh xã hội nên bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển về kinh tế - xã hội thì nơi đây vẫn còn một số hủ tục lạc hậu trong cộng đồng, cản trở sự phát triển chung của địa phương. Đó là việc thanh-thiếu niên được dựng vợ, gả chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn vẫn còn diễn ra. Việc kết hôn sớm của các cặp vợ chồng chưa đủ tuổi thành niên đã kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế, dân số…

Em Chama lea Thị Rơm ở xã Phước Thành (Bác Ái) bên ngôi nhà sàn tạm bợ. Ảnh: T.Thịnh

Theo báo cáo của UBND huyện Bác Ái, trong 9 tháng năm 2019, trên địa bàn huyện đã có 14 vụ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, xã Phước Thành 4 vụ, Phước hòa 1 vụ, Phước Tiến 3 vụ, Phước Trung 1 vụ, Phước Đại 2 vụ và Phước Thắng 3 vụ; nhiều trường hợp tảo hôn khi các em chỉ từ 15-16 tuổi. Em Chamaléa Thị Rơm, sinh năm 2001 tại xã Phước Thành là một trong những trường hợp như thế. Em Rơm cho biết: Do nhà nghèo lại đông anh chị em nên chỉ học đến lớp 4 là nghỉ học. Đầu năm 2017, em lập gia đình và được cha mẹ đồng ý. Hiện tại, hai vợ chồng đang sống trong căn nhà sàn nhỏ dột nát. Hàng ngày, em Rơm phải ở nhà trông con, mọi chi phí đều trong chờ vào việc làm nương rẫy của chồng khiến gia đình đã khó khăn thì càng khó khăn hơn.

Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn diễn ra ở huyện Bác Ái là do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là nhận thức về pháp luật của người dân còn hạn chế; điều kiện kinh tế khó khăn nên tình trạng bỏ học vẫn còn xảy ra hoặc học xong không tìm được việc làm phù hợp dẫn đến kết hôn sớm. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân chủ quan, đó là sự thiếu quyết liệt của chính quyền cơ sở trong công tác quản lý đăng ký kết hôn; công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… chưa hiệu quả. Các chế tài xử lý vi phạm trong việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn chưa được thực hiện nghiêm và triệt để nên không đủ sức răn đe…

Ông Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Thực hiện Quyết định 498/QĐ-TTg ngày 14-4-2015 của Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS, giai đoạn 2015-2025 và Công văn số 4391-CV/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2015-2020”, huyện Bác Ái tiếp tục tăng cường thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên liên tục của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương phải xây dựng kế hoạch, phương án tuyên truyền một cách cụ thể đến các nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên tại các vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Tăng cường công tác phối hợp giữa trường học với chính quyền, đoàn thể địa phương bằng việc tổ chức các cuộc tuyên truyền bằng hình ảnh tại các trường cấp THCS, THPT để nâng cao nhận thức của các em về giới và sức khỏe sinh sản. Qua đó, nâng cao nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật để từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu của đồng bào trên địa bàn huyện.