Ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trả lời phỏng vấn Báo Ninh Thuận:

Nhiều điểm mới được áp dụng sau khi Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực

Ngày 23-9-2019, Chính phủ ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015 về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, Nghị định bắt đầu có hiệu lực từ ngày 8-11-2019. Để làm rõ thêm vấn đề này, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Lộc, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh.

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết: So với Nghị định 61/2015/NĐ-CP, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP có những nội dung gì mới? Về đối tượng vay vốn có gì thay đổi không?

- Ông Lê Minh Lộc: Điểm mới của Nghị định số 74/2019/NĐ-CP so với Nghị định số 61/2015/NĐ-CP có những điểm mới cơ bản như sau:

- Đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm: Thứ nhất là mức cho vay và thời hạn cho vay được nâng lên. Cụ thể: Đối tượng là cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm; đối với đối tượng là người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng; thời hạn vay vốn tối đa được tăng từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng. Thứ hai, về lãi suất cho vay vốn bằng với lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (hiện nay là 7,92%/năm). Thứ ba, về thực hiện bảo đảm tiền vay chỉ áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên. Về đối tượng vay vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm không thay đổi so với trước.

- Đối với chương trình cho vay người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng: Kể từ ngày Nghị định số 74/2019/NĐ-CP có hiệu lực, NHCSXH cho vay trực tiếp đối với người đi lao động, không cho vay thông qua hộ gia đình như trước đây. Mức cho vay dưới 100 triệu đồng không phải thực hiện đảm bảo tiền vay (trước đây là từ 50 triệu đồng trở xuống). Số tiền cho vay được chuyển khoản cho doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc nước ngoài (trước đây có thể giải ngân bằng tiền mặt cho người lao động hoặc chuyển khoản cho doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc nước ngoài). Điểm mới đáng lưu ý là người lao động (người vay) phải thực hiện ủy quyền cho một người để quan hệ giao dịch với NHCSXH trong việc thực hiện trả nợ, trả lãi hoặc xử lý nợ trong thời gian người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Về đối tượng vay vốn từ nguồn vốn Trung ương không thay đổi so với trước đây, vẫn bao gồm: Người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động là người dân tộc thiểu số, thân nhân của người có công với cách mạng, người lao động bị thu hồi đất, người lao động tại các huyện nghèo. Riêng tại tỉnh Ninh Thuận, ngoài 6 nhóm đối tượng nêu trên còn có thêm đối tượng là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đã xuất ngũ trở về địa phương, có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Ninh Thuận đủ 60 tháng trở lên, được vay vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Chi nhánh NHCSXH tỉnh.

Về hồ sơ, quy trình cho vay thì có sự thay đổi để phù hợp với các nội dung bổ sung, sửa đổi của Nghị định số 74/2019/NĐ-CP. Vấn đề này, NHCSXH công khai đầy đủ tại tất cả Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã trên toàn tỉnh. Khi khách hàng có nhu cầu vay vốn có thể đọc các quy định tại UBND cấp xã hoặc liên hệ với NHCSXH nơi cho vay để được hướng dẫn.

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết: Hiện nay, hạn mức cho vay, lãi suất vay, thời hạn vay, phương thức trả nợ đối với vay vốn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng tại NHCSXH được thực hiện như thế nào? Khi vay vốn có phải thế chấp tài sản gì không?

- Ông Lê Minh Lộc: Mức cho vay tối đa được áp dụng bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài, trừ những chi phí được Nhà nước hỗ trợ theo quy định. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo (hiện nay là 6,6%/năm); riêng đối với đối tượng người lao động thuộc hộ nghèo hoặc người dân tộc thiểu số tại các huyện nghèo được hưởng lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo. Về thời hạn cho vay, không vượt quá thời hạn làm việc của người lao động ghi trên hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Phương thức trả nợ: NHCSXH nơi cho vay thỏa thuận với người vay về kỳ hạn trả nợ gốc, lãi, nhưng tối đa không quá 6 tháng/kỳ. Riêng đối với người lao động tại huyện nghèo thì tối đa không quá 12 tháng/kỳ. Người vay phải thực hiện ủy quyền cho một người để quan hệ giao dịch với NHCSXH trong việc thực hiện trả nợ, trả lãi hoặc xử lý nợ trong thời gian người lao động (người vay) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Về điều kiện bảo đảm tiền vay: Theo quy định thì hiện nay đối với mức vay dưới 100 triệu đồng không phải bảo đảm tiền vay (trước đây là từ 50 triệu đồng trở xuống). Như vậy, nếu vay từ 100 triệu đồng trở lên thì khách hàng vay vốn phải có tài sản đảm bảo tiền vay. Riêng đối tượng người lao động tại huyện nghèo không phải thực hiện đảm bảo tiền vay.

Tại tỉnh Ninh Thuận, để giải quyết khó khăn cho người lao động khi tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nếu thuộc các đối tượng vay vốn tại NHCSXH và có nhu cầu vay vốn từ 100 triệu đồng trở lên, thì sẽ được vay thêm từ nguồn vốn ngân sách địa phương mà không phải thực hiện đảm bảo tiền vay. Riêng đối với đối tượng người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân đã xuất ngũ trở về địa phương được cho vay 100% chi phí theo hợp đồng lao động tại nước ngoài từ nguồn vốn của địa phương và không thực hiện đảm bảo tiền vay.