Nhật Bản: Số người chết và mất tích trong thảm họa kép lên tới gần 28.000 người

Theo số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, tính tới 15h địa phương ngày 29-3, trận động đất và sóng thần kinh hoàng hôm 11-3 đã cướp đi sinh mạng của 11.082 người, làm 16.717 người khác mất tích.

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Tô-ki-ô cho biết, Công ty Điện lực Tô-ki-ô (TEPCO)- đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số một (Fukushima 1) tại tỉnh Phưcưsima - vẫn tích cực xử lý sự cố xảy ra ở các lò phản ứng hạt nhân sau thảm họa kép kể trên, tuy nhiên hoạt động này gặp trở ngại do nhiều khó khăn phát sinh. Để có thể tiếp tục khôi phục hệ thống làm mát các lò phản ứng, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là hút hết nước nhiễm xạ trong tầng hầm đặt tuốc-bin. TEPCO đã đặt máy bơm để hút và bơm nước nhiễm phóng xạ này vào khoang ngưng tụ (có vai trò làm mát, biến hơi nước nóng thành nước và đưa trở lại lò hạt nhân). Tuy nhiên, tốc độ rò rỉ nước nhiễm phóng xạ có vẻ nhanh hơn tốc độ bơm và khoang ngưng tụ số 2 cũng đã đầy.

TEPCO còn phát hiện lượng nước nhiễm phóng xạ lớn tích tụ trong các đường hầm có đường ống tuần hoàn nước biển làm mát các lò phản ứng 1, 2 và 3. Nồng độ nước nhiễm phóng xạ trong đường hầm bên ngoài tầng ngầm đặt tuốcbin tổ máy số 1 tương đối thấp, còn nồng độ nước nhiễm xạ ở đường hầm bên ngoài tổ máy số 3 không đo được do vướng các đống đổ nát. Trong khi đó, đường hầm bên ngoài tổ máy số 2 dài 76 m, nằm ở độ sâu khoảng 16 m và có 2 đường thông lên mặt đất, trong đó lỗ thông lên mặt đất gần biển nhất chỉ cách biển khoảng 55 mét. Nước nhiễm phóng xạ đã gần tới miệng hố và nồng độ phóng xạ đo được lên tới trên 1.000 milisievert/giờ. Nếu không có biện pháp kịp thời, nước nhiễm phóng xạ sẽ tràn ra ngoài, gây ô nhiễm nặng đất và nước biển.

Biện pháp khả thi duy nhất hiện nay là bịt kín đường thông ra ngoài của đường hầm, đồng thời điều chỉnh giảm lượng nước bơm vào lò và bể chứa nhiên liệu đã qua sử dụng. Tuy nhiên, nếu bơm thiếu nước, các thanh nhiên liệu sẽ lộ khỏi mặt nước, có nguy cơ tiếp tục nóng chảy, làm tăng nhiệt độ, áp suất ở lò phản ứng...

Mặc dù vậy, Cơ quan An toàn công nghiệp và hạt nhân Nhật Bản ngày 29-3 cho biết hiện chưa có thông báo xác nhận lượng nước nhiễm phóng xạ từ những đường hầm ngầm ven biển của nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma 1 chảy tràn ra biển Thái Bình Dương. Mực nước trong những hầm ngầm, cách bờ biển khoảng 55-70 m, vẫn ổn định và TEPCO tích cực thực hiện những biện pháp nhằm không để nước nhiễm phóng xạ thoát ra ngoài.

Trong khi đó, hãng Jiji dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukiô Êđanô (Yukio Edano) phát biểu hôm 28/3, cho biết chính phủ nước này đang nỗ lực hết sức để xử lý cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân trên và đây là ưu tiên hàng đầu hiện nay. Sau khi kiểm soát được tình hình, chính phủ sẽ bàn tới chính sách năng lượng hạt nhân trên cơ sở đánh giá lại sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Phư-cư-si-ma 1.

Tháng 6-2010, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch xây dựng thêm ít nhất 14 lò phản ứng hạt nhân ở nước này vào năm 2030. Ông Ê-đa-nô cho biết chính phủ sẽ nghiêm túc nghiên cứu khả năng thay đổi kế hoạch này. Ngày 29-3, Bộ trưởng phụ trách chính sách quốc gia Nhật Bản Côi-chi-rô Ghem-ba (Koichiro Gemba) khẳng định việc quốc hữu hóa TEPCO có thể là một phương án khi xem xét lại cách xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân hiện nay. Sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11-3, TEPCO sẽ phải chi trả số tiền khổng lồ để đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu TEPCO có đủ năng lực tài chính để trả số tiền trên hay không.

Theo TTXVN