Nâng cao giá trị hàng nông sản từ sản xuất VietGAP

Xu hướng phát triển nông nghiệp sạch gắn liền với xây dựng thương hiệu, uy tín là hết sức cần thiết trong bối cảnh có sự cạnh tranh gay gắt đối với thị trường nông sản hiện nay. Xác định rõ mục tiêu này, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, khuyến khích nông dân thực hiện đảm bảo các tiêu chí sản xuất sạch theo hướng VietGAP.

Đồng chí Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: VietGAP là một quy trình kỹ thuật, đòi hỏi công tác quản lý phải chặt chẽ và đảm bảo an toàn tuyệt đối từ khâu chuẩn bị làm đất đến bảo quản sau thu hoạch. Hiện tại, mô hình VietGAP được áp dụng chủ yếu trên một số cây trồng chủ lực, thế mạnh của tỉnh; đây được xem là động lực quan trọng, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho mặt hàng nông sản tại tỉnh ta.

Sản xuất măng tây xanh theo hướng VietGAP, góp phần nâng cao giá trị canh tác
trên đơn vị diện tích, đem lại thu nhập cao cho nông dân.

Ninh Phước là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh, tận dụng lợi thế về tiềm năng đất đai, nguồn nước dồi dào, huyện tập trung quy hoạch, phát triển mạnh những sản phẩm cây trồng có lợi thế. Từ kinh phí các chương trình, dự án, địa phương hỗ trợ bà con canh tác theo quy trình VietGAP, mở ra hướng đi mới trong việc “sạch hóa” mặt hàng nông sản, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Anh Hồ Văn Thơm, ở thôn Ninh Quý 1 là một trong 10 hộ tham gia trồng táo xanh VietGAP đầu tiên tại xã Phước Sơn, mô hình do Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp tỉnh triển khai thí điểm trên địa bàn. Anh Thơm cho biết: Gia đình hiện trồng 2,5 sào táo theo tiêu chuẩn VietGAP, năng suất đạt từ 3-3,5 tấn/sào, cao hơn 1,2 lần so với sản xuất thông thường, táo sau khi thu hoạch đạt chất lượng tốt, giá bán cũng cao hơn. Đến nay, sản xuất VietGAP tại huyện đã nhân rộng trên nhiều loại cây trồng, với diện tích 71,5 ha.

Nông dân phường Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) trồng cây Nha Đam cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Văn Nỷ

Bên cạnh đó, thông qua Quyết định 65/2017/QĐ-UBND, ngày 15-8-2017 của UBND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2017-2020, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX) liên kết với nông dân ở các địa phương triển khai hiệu quả chương trình sản xuất VietGAP. Theo đó, đã có 9 dự án trên lĩnh vực này được hỗ trợ, cụ thể như: Dự án liên kết trồng nho VietGAP ở thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải 100 ha; trồng hành, tỏi ở Nhơn Hải (Ninh Hải) 10 ha; sản xuất cây nha đam 10 ha/20 hộ ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); hỗ trợ một số HTX trồng măng tây xanh VietGAP trên địa bàn tỉnh.