Huy động nguồn lực cho công tác giảm nghèo

Năm 2019, thực hiện công tác giảm nghèo, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế, hỗ trợ sản xuất, nâng cao đời sống, tạo việc làm, tăng cường khả năng tự vươn lên thoát nghèo của người dân.

Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho hộ nghèo (HN), hộ cận nghèo (HCN) được thực hiện đồng bộ, thiết thực, mang lại hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ HN trên địa bàn tỉnh. Đến cuối năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn 11.925 HN, chiếm 6,74%; 14.176 HCN nghèo, chiếm 8,02%; tỷ lệ HN giảm 1,6%, đạt 114% so với kế hoạch tỉnh đề ra.

Đạt được kết quả trên, trong năm, tỉnh đã ưu tiên tập trung nguồn lực, chủ động triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội giảm nghèo theo quy định của Trung ương, của tỉnh như: tín dụng, bảo hiểm, y tế, giáo dục - đào tạo, trợ giúp pháp lý, nhà ở… Các địa phương, mặt trận đoàn thể có nhiều cách làm mới, sáng tạo, tập trung công tác giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm ở các hộ thiếu hụt các chiều tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; vận động xã hội giúp tạo việc làm, thoát nghèo bền vững góp phần xây dựng nông thôn mới. Công tác xã hội hóa, việc tham gia công tác giảm nghèo ở địa phương được quan tâm thực hiện nhất là việc huy động các doanh nghiệp hỗ trợ đã giúp các hộ nghèo có điều kiện thoát nghèo.

Điển hình Chương trình tín dụng chính sách được đánh giá là chính sách an sinh có nhiều ưu điểm nhất, đi vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất. Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm, hỗ trợ hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các ban ngành, tổ chức chính trị -xã hội phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong thực hiện nhiệm vụ huy động nguồn lực tài chính và tổ chức đưa kịp thời mọi nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng. Trong năm, thông qua ủy thác, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân hơn 349,4 tỷ đồng cho các HN, HCN và hộ mới thoát nghèo vay... Nhờ nguồn vốn chính sách ưu đãi, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất… tăng thu nhập cho hộ gia đình, ổn định cuộc sống, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo.

Cùng với đó, tỉnh cũng đã ban hành những những chính sách đặc thù, ưu tiên về nguồn lực để giúp người nghèo, người dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, nhất là các chính sách hỗ trợ về bảo hiểm y tế, nhà ở, nhà tiêu hợp vệ sinh, mô hình sinh kế, huy động được nhiều nguồn lực ổn định đời sống người nghèo. Trong năm 2019, toàn tỉnh đã cấp 207.333 thẻ BHYT cho người thuộc diện HN, HCN, người dân tộc thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn…với kinh phí hơn 141,44 tỷ đồng; hỗ trợ và xây dựng 153 căn nhà cho HN với kinh phi hơn 4,4 tỷ đồng, nâng tổng số nhà đã thực hiện giai đoạn 2016-2019 là 906 căn, đạt 61,92% đề án… Từ nguồn vốn Trung ương và địa phương, tỉnh đã bố trí hơn 102,7 tỷ đồng đề thực hiện các Chương trình 30a, 135, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài Chương trình 30a và 135… Các chương trình, dự án được triển khai kịp thời, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Năm 2020, mục tiêu của tỉnh đề ra: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo; tạo điều kiện cho HN, HCN tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu của tỉnh giảm tỷ lệ HN từ 1-1,5% và giảm 4% đối với huyện nghèo Bác Ái.

Để đạt mục tiêu, tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo, để HN, HCN không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại hoặc dựa dẫm vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh đó, tập trung huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho HN, HCN; triển khai thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và vùng khó khăn trên nguyên tắc công khai, dân chủ và đúng đối tượng. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với trình độ lao động nghèo. Đồng thời phát động sâu rộng phong trào nhận giúp đỡ hộ nghèo trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp từ tỉnh đến cơ sở.

Song song đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chương trình giảm nghèo; kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt và khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảm nghèo, tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp có kế hoạch rà soát, phân loại và tìm hiểu nguyên nhân thiếu hụt của từng HN, HCN, từ đó có những giải pháp cụ thể nhằm giúp đỡ từng hộ. Thông qua các dự án và giải pháp của các tổ chức đoàn thể, đầu tư vốn hoặc phương tiện làm ăn cho HN; đảm bảo số HN có nhu cầu được vay vốn, hỗ trợ cây - con giống, vật nuôi. Tạo điều kiện để HN, người lao động và học sinh, sinh viên thuộc diện nghèo được hỗ trợ vay vốn ưu đãi; hỗ trợ xây dựng nhà ở, nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, hỗ trợ các hộ sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận các thông tin…Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chính sách xã hội về y tế, giáo dục, tín dụng, nhà ở, đất sản xuất… đối với HN, HCN, hộ đồng bào dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi để tất cả người nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo.