Chị Phạm Thị Lộc

Người phụ nữ “vác tù và hàng tổng”

Nhiệt tình, sôi nổi hết mình với công tác xã hội, trong gia đình chị Phạm Thị Lộc vẫn là một người phụ nữ đảm đang, người vợ, người mẹ mẫu mực.

Bà con ở thôn Mỹ Phong, xã Thanh Hải (Ninh Hải) gọi chị Phạm Thị Lộc, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn bằng nhiều cái tên khác nhau, nào là chị Lộc phụ nữ, cô Lộc “rác”, chị Lộc dân số, rồi Lộc y tá…, trong mỗi cái tên đó, bà con nói chung và chị em phụ nữ nói riêng đều dành cho chị một sự trìu mến đặc biệt.

Chị Lộc (bên phải) đang tuyên truyền tiêm phòng và tẩy giun cho trẻ.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới khang trang vừa xây xong cuối năm 2010, Chị Lộc say sưa kể về những hoạt động và công tác hội của mình. 5 năm làm Chi hội trưởng là 5 năm chị miệt mài, sôi nổi với mọi công tác. Không chỉ hưởng ứng, thực hiện tốt mà chị còn là người đưa ra sáng kiến và động viên, thậm chí là “năn nỉ” chị em thực hiện. Hoạt động nổi bật đáng kể đến đầu tiên là việc thu gom rác thải, giữ vệ sinh môi trường trong thôn. Chị tâm sự: “Ban đầu đưa ra ý kiến đóng tiền để thu gom rác không những bà con không nghe mà tôi còn bị “chửi”… Cả thôn đã quen xả rác bừa bãi hoặc đốt nên ai cũng cho rằng không lý do gì phải mất tiền vào rác”. Cuối cùng thì cả thôn Mỹ Phong cũng chịu thay đổi “tập quán” trước cái lí mà chị Lộc đưa ra. Nói là làm, chị tự nguyện đứng ra hợp đồng xe và hàng tháng đi thu gom rác cho cả thôn. Có xe gom rác, đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, môi trường thoáng đãng, dễ chịu…Cả thôn cùng nghe theo, đóng tiền thu gom rác đều đặn hàng tháng.

Là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn, 5 năm liền chị Phạm Thị Lộc đều hoàn thành chỉ tiêu giao về việc thu quỹ Hội. Không chỉ vậy, chị còn đi đến từng nhà trong thôn, động viên gia đình có con em thực hiện nghĩa vụ quân sự, rồi quyên góp quà tặng để khuyến khích, động viên cho con em trong thôn lên đường, thực hiện tốt nhiệm vụ. Sau mỗi đợt lũ lụt, mưa gió, đường sá trong thôn hư hỏng chị Lộc lại đi đến từng nhà, từng người để vận động góp sức, góp của…sửa chữa lại đường. Năm 2010, chị còn đứng ra vận động các nhà hảo tâm và bà con trong thôn được 3 tạ gạo, 200 gói mì tôm để làm quà tết tặng những cụ già neo đơn. Chị giãi bày: “Nhiều khi bà con không hiểu mình, họ mắng mỏ mình, khổ lắm. Nhưng tôi không ngại, tôi vẫn kiên trì, nói đúng, nói có lý…lại vì lợi ích chung của thôn thì tất cả mọi người cũng nghe theo”.

Chị Phạm Thị Lộc còn là một cộng tác viên dân số tích cực, một y tá thôn bản nhiệt tình, tâm đức. Không chỉ tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện kế hoạch hóa gia đình; chị còn trực tiếp đưa đón những chị em không có điều kiện tới bệnh viện, chăm sóc họ như chính người thân của mình. Mỗi lần trong thôn có người đau ốm, dù là lúc nào mà được gọi chị cũng sẵn sàng đến tận nhà. Khi có lịch tiêm phòng hay uống vitamin cho trẻ em, chị đi đến tận từng nhà thông báo, tuyên truyền để cho tất cả trẻ em trong thôn đều được uống vitamin, tiêm phòng. Chị cũng là thành viên ban hòa giải của thôn, mỗi khi có xích míc giữa các gia đình, hay vợ chồng, con cái bất hòa…là chị lại có mặt. “Có lúc nhẹ nhàng chia sẻ, có lúc phải quyết liệt…nhưng mình nói có lý thì họ nghe theo, đó là kinh nghiệm của người làm công tác hội, đoàn thể.”, chị Lộc chia sẻ kinh nghiệm.

Nhiệt tình, sôi nổi hết mình với công tác xã hội, trong gia đình chị Phạm Thị Lộc vẫn là một người phụ nữ đảm đang, người vợ, người mẹ mẫu mực. Vừa tham gia công tác xã hội, chị vừa phải thu vén việc gia đình, lo làm kinh tế để nuôi con ăn học. Niềm vui của chị là có một người chồng hết lòng yêu thương và ủng hộ công việc của vợ. Bên cạnh đó, sự tin yêu, tín nhiệm của chị em phụ nữ nói riêng và bà con thôn Mỹ Phong nói chung luôn tạo cho chị động lực để tiếp tục với những hoạt động, như một người “vác tù và hàng tổng”.