Nỗ lực phát triển ngành Công nghiệp

Mặc dù phải chịu tác động kép: Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường và tình hình hạn hán đang diễn ra, nhưng trong quý I-2020 ngành Công nghiệp (CN) nội tỉnh vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng, góp phần đưa tổng giá trị sản xuất đạt hơn 2.122 tỷ đồng, tăng 35,2%.

Năm 2020, mục tiêu mà ngành CN tỉnh ta đề ra là phấn đấu đạt tổng giá trị sản xuất khoảng 8.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt từ 20-23%. Để hoàn thành mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, ngành Công Thương bám sát Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; sự chỉ đạo của Bộ Công Thương chủ động nắm bắt, thu thập thông tin, vận động doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để phát huy năng lực các sản phẩm hiện có. Mặt khác, đơn vị còn phối hợp các ngành, địa phương kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để các dự án điện gió, điện mặt trời đẩy nhanh tiến độ hoàn thành... Nhờ đó, kết thúc quý I nhiều sản phẩm chủ lực của ngành CN nội tỉnh đã tăng trưởng khá, góp phần đưa Chỉ số sản xuất CN (IIP) ước tăng 65,98% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2019 tăng 1,45%).

Sản xuất tôm xuất khẩu của Công ty TNHH Thông Thuận.

Trong bức tranh tăng trưởng của ngành CN, đáng chú ý là ngành sản xuất, phân phối điện đã có nhiều bứt phá với giá trị sản xuất đạt 737 tỷ đồng, chỉ số tăng tới 327%, đóng góp tăng 64,08 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Tiếp đến là ngành khai khoáng đạt trên 102 tỷ đồng, chỉ số tăng 48,35% so cùng kỳ, đóng góp 7,24 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải đạt 41,3 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Riêng ngành chế biến, chế tạo mặc dù chiếm tỷ trọng tới 59,32% trong cơ cấu giá trị tăng thêm toàn ngành, nhưng do trong quý I năng lực mới tăng thêm hầu như không có, mặt khác do ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19, nên chỉ số sản xuất ước bằng 89,66% so với cùng kỳ, tác động giảm 6,13 điểm phần trăm chỉ số toàn ngành CN.

Một số sản phẩm có chỉ số sản xuất tăng so với cùng kỳ, gồm: Sản xuất đường RS nhờ mía nguyên liệu đáp ứng đủ theo yêu cầu sản xuất của doanh nghiệp, nên sản lượng ước đạt 7.233 tấn, tăng 28,8% so cùng kỳ. Tinh bột mỳ nhờ nguyên liệu cung cấp đáp ứng nhu cầu sản xuất, giá tiêu thụ bình quân sản phẩm bằng xấp xỉ so cùng kỳ, nên dự kiến quý I sản xuất đạt 7.995 tấn, tăng 17,8%. Mặt hàng dệt (sản xuất sợi, khăn bông) ước tăng 8,98%. Sản xuất trang phục tăng 17,9% so cùng kỳ. Đặc biệt, điện sản xuất ước đạt 854 triệu kwh, tăng 106,3% so với cùng kỳ. Trong đó, điện năng lượng tái tạo đã cung cấp sản lượng ước đạt 630 triệu kwh, cụ thể: điện gió đạt 170 triệu kwh; điện mặt trời đạt 460 triệu kwh. Ngoài ra, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 650 cơ sở, hộ gia đình đã lắp đặt điện mặt trời áp mái với tổng công suất 50MW, sản lượng điện phát lên lưới ước đạt 16 triệu kwh, đã tác động tích cực, mang lại tăng trưởng cao cho toàn ngành. Xi măng các loại sản lượng ước đạt 40,9 ngàn tấn, tăng 1,9% so cùng kỳ. Khai thác muối các loại nhờ thời tiết thuận lợi, sản lượng thu hoạch đạt gần 136 nghìn tấn, tăng 190% cùng kỳ. Tuy nhiên, do lượng muối tồn kho còn nhiều, đến cuối tháng 2 năm 2020 còn tồn 230 ngàn tấn, nên giá bán có xu hướng giảm còn 800 đồng/kg.

Tín hiệu tích cực của ngành CN trong quý I năm 2020 là rất đáng mừng, tuy nhiên đánh giá một cách toàn diện cho thấy, trong 24 sản phẩm chủ lực của ngành vẫn còn tới 11 sản phẩm đang gặp khó khăn về thị trường và nguồn nguyên liệu, nên sản lượng giảm. Cụ thể, tôm đông lạnh là sản phẩm chiếm tỷ trọng tới 7,74% trong tổng giá trị toàn ngành, có tác động nhiều đến tốc độ tăng tr¬ưởng chung, nhưng do sản lượng tiêu thụ đạt thấp và nguyên liệu không đáp ứng đủ, nên trong quý I sản xuất chỉ ước đạt 1.125 tấn, giảm 8,5% so cùng kỳ. Đối với mặt hàng bia các loại, đây là sản phẩm chiếm đến 11,6% tỷ trọng giá trị tăng thêm toàn ngành CN và có giá trị gia tăng đóng góp nhiều trong cơ cấu ngành CN chế biến, chế tạo, nhưng từ tháng 1-2020 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, sản xuất chỉ đạt gần 5,85 triệu lít, giảm 62% so với cùng kỳ, tác động giảm 7,2 điểm phần trăm chỉ số sản xuất chung toàn ngành. Mặt hàng điều khô do ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại các thị trường tiêu thụ chính, nên chỉ sản xuất đạt 808,3 tấn, giảm 8,5% so với cùng kỳ... Kết quả trên đã tác động làm tổng giá trị sản xuất ngành CN chế biến, chế tạo chỉ đạt 1.241,7 tỷ đồng, giảm 1,6%.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, kết quả sản xuất quý I dù không quyết định cho cả chằng đường dài phía trước, nhưng nếu không nhìn nhận đúng thì sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng và làm giảm mức tăng trưởng của ngành, nhất là trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường và tỉnh hình hạn hán đang diễn ra. Từ thực tế này có thể dự báo, tình hình kinh tế của tỉnh nói chung và sản xuất của ngành CN nội tỉnh nói riêng trong những tháng còn lại của năm 2020 sẽ có khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, UBND tỉnh cần có sự chỉ đạo quyết liệt và giải pháp hỗ trợ kịp thời, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các doanh nghiệp phát huy cao nhất năng lực sản xuất các sản phẩm hiện có theo hướng tăng trưởng bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin đầy đủ các chủ trương, chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh; phối hợp hỗ trợ và đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp phải chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành để vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và chỉ tiêu tăng trưởng CN đã được HĐND tỉnh thông qua.