Mỹ Latinh trước nguy cơ trở thành “điểm nóng” COVID-19 mới

Tổ chức Bác sỹ không biên giới (MSF) vừa cảnh báo Mỹ Latinh có thể trở thành “điểm nóng” COVID-19 tiếp theo do sự gia tăng nhanh chóng của các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại nhiều quốc gia trong khu vực. Là khu vực có tỷ lệ bất bình đẳng xã hội và người nghèo cao hàng đầu thế giới, Mỹ Latinh được dự báo là sẽ chịu nhiều thiệt hại về kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tăng mạnh các ca nhiễm và tử vong do virus SARS-CoV-2

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tấn công khu vực Mỹ Latinh muộn hơn so với phần còn lại của thế giới khi phải tới ngày 26-2 mới xuất hiện ca bệnh đầu tiên là một người đàn ông quốc tịch Brazil sinh sống tại thành phố Sao Paolo trở về nước sau chuyến đi tới Italy, thời điểm đó đang trở thành tâm điểm của thế giới. Tuy nhiên, chỉ sau gần 3 tháng, số bệnh nhân mắc COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh đã tăng chóng mặt. Tính tới thời điểm hiện tại khu vực Mỹ Latinh đã ghi nhận trên 380.000 ca bệnh, trong đó có hơn 21.500 ca tử vong.

Brazil tiếp tục là tâm dịch ở khu vực. Ngày 13-5, Bộ Y tế Brazil thông báo nước này đã ghi nhận thêm 881 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 12.400 người, trong khi số trường hợp mắc mới cũng tăng thêm 9.258 người, lên 177.589 ca. Báo cáo của Bộ Y tế Brazil cho biết đây là số ca tử vong do COVID-19 trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi đầu tháng 3. Với số ca nhiễm COVID-19 mới, Brazil cũng vượt qua Đức trở thành nước có số người nhiễm bệnh cao thứ 7 trên thế giới. Hiện nay, các thành phố lớn của Brazil như Manaus và Rio de Janeiro đã bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải trong mạng lưới các bệnh viện và cơ sở y tế công do số lượng bệnh nhân liên tục tăng mạnh trong thời gian qua. Bang Sao Paulo tiếp tục là địa phương có số ca nhiễm và tử vong cao nhất cả nước, tiếp đến là Rio de Janeiro.

Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico thông báo, trong vòng 24 giờ qua, đã ghi nhận số ca bệnh và tử vong do COVID-19 tăng kỷ lục ngày, với 1.997 ca mắc mới và 353 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 38.324 người, trong đó có 3.926 ca tử vong, và 22.980 người nghi ngờ nhiễm bệnh.

Trong khi đó, tính đến thời điểm này, Ecuador có hơn 30.000 ca mắc COVID-19 và số ca tử vong đang là 1.654 người. Còn theo các dữ liệu chính thức ngày 12-5, Peru ghi nhận 67.307 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.889 trường hợp tử vong. Bộ Y tế Chile cũng thông báo tổng số ca mắc COVID-19 đến nay tại nước này đã lên tới 28.866 ca và số ca tử vong lên 312 người, dập tắt hy vọng rằng Chile đã qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng dịch bệnh.

Tốc độ lây lan không thể kiểm soát của “kẻ thù vô hình” mang tên COVID-19 cho thấy dường như các nước Mỹ Latinh không lường trước được hậu quả, mặc dù có thể nói rằng Mỹ Latinh có nhiều thời gian hơn các nước ở những khu vực khác để chuẩn bị các biện pháp đối phó.

Trên thực tế, có thể thấy cách tiếp cận và quan điểm về phương thức đối phó với COVID-19 của các nước Mỹ Latinh không hẳn đã đồng nhất và kịp thời. Trong khi một số nước có những phản ứng khá nhanh trước diễn biến của dịch bệnh như Argentina quyết định đóng cửa biên giới và ban bố lệnh cách ly bắt buộc trên phạm vi toàn quốc chỉ hơn 2 tuần sau khi phát hiện ra ca nhiễm virus đầu tiên, thì một số nước khác như Brazil hay Mexico lại tỏ ra khá “thờ ơ” trước tính chất nghiêm trọng của COVID-19. Thậm chí Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro còn cho rằng dịch COVID-19 thực ra chỉ là một loại cúm thông thường. Nhà lãnh đạo Brazil cũng là người chỉ trích các biện pháp cách ly xã hội mà chính quyền các bang áp dụng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, cho rằng điều đó có thể khiến cho nền kinh tế sụp đổ.

Ngay cả khi dịch bệnh đã bắt đầu lây lan trong cộng đồng, dường như sự chủ quan và những lợi ích chính trị khác nhau cũng khiến người ta “phớt lờ” cảnh báo của giới chức y tế về hoạt động tụ tập đông người. Phải đến khi số lượng ca dương tính với virus SARS-CoV-2 gia tăng chóng mặt hằng ngày tại mỗi nước, cũng như các lệnh cách ly bắt buộc với sự giám sát của cảnh sát và quân đội được áp dụng, các cuộc biểu tình mới tạm chấm dứt.

Chịu nhiều thiệt hại

Theo thống kê chính thức của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe của Liên hợp quốc (CEPAL), bất chấp nỗ lực triển khai nhiều chương trình xóa giảm đói nghèo và cải thiện đời sống của người dân, cho tới cuối năm 2019, số người nghèo ở khu vực này vẫn còn khoảng 200 triệu người, trong đó có khoảng 70 triệu người sống trong điều kiện bần cùng. Giới chuyên gia nhận định với tỉ lệ người nghèo chiếm tới  30,8% dân số, sự bất bình đẳng xã hội cao và hệ thống y tế yếu kém, Mỹ Latinh đang và sẽ phải đối mặt với các thách thức to lớn về kinh tế-xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) mới đây đã cảnh báo đại dịch COVID-19 sẽ kéo theo khủng hoảng xã hội trầm trọng với khoảng 28,7 triệu người phải sống dưới mức nghèo khổ. Trong báo cáo, cơ quan trực thuộc LHQ này xác định, do tác động của đại dịch bệnh, sẽ có nhiều rủi ro về nhu cầu mọi mặt như sự suy giảm trong sức mua và nguồn cung, hạn chế trong việc tiếp cận đầu vào hoặc vốn, giảm lực lượng lao động hay có sự gián đoạn trong dây chuyền phân phối. Ngoài ra, FAO cảnh báo về khả năng diễn ra sự thay đổi giá cả lương thực trong nước do tình hình nhập khẩu bị gián đoạn, giảm nguồn cung lương thực quốc gia do dòng xuất khẩu tăng đột ngột và giảm thu nhập do giảm giá trị xuất khẩu.

Cùng với gia tăng tỷ lệ đói nghèo, nhiều nước Mỹ Latinh chưa đầu tư đầy đủ cho lĩnh vực y tế công. Chỉ có 2,2% GDP khu vực được chi cho lĩnh vực này, thấp hơn nhiều so với mức 6% theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế liên Mỹ. Phần lớn các nước vẫn sở hữu một hệ thống y tế công yếu kém và phân rẽ, không bảo đảm khả năng tiếp cận rộng rãi cần thiết trong trường hợp xảy ra đại dịch như COVID-19.

Bên cạnh thách thức xã hội cũng như dịch tễ học, “cơn bão” COVID-19 đang ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền kinh tế của tất cả các nước Mỹ Latinh vốn đã hết sức mong manh do sự sụt giảm cả về khối lượng và giá trị trao đổi thương mại với các đối tác trên thế giới. Theo dự báo của CEPAL, giá trị xuất khẩu hàng hóa của các nước Mỹ Latinh sẽ sụt giảm khoảng 10,7% trong năm nay. Hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Brazil và Argentina, sẽ chịu tác động nặng nề nhất do tình trạng sụt giảm mạnh giá các mặt hàng xuất khẩu.

CEPAL khuyến cáo chính phủ các nước trong khu vực cần áp dụng các biện pháp bảo toàn công việc, thúc đẩy hoạt động kinh doanh và bảo vệ thu nhập của người dân.

Tương tự dự báo của CEPAL, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra nhận định tác động về kinh tế do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể khiến khu vực Mỹ Latinh không tăng trưởng trong một thập niên, từ năm 2015 đến năm 2025.

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2020 mới công bố, IMF dự báo kinh tế Mỹ Latinh, nơi số ca nhiễm COVID-19 và tử vong tiếp tục gia tăng mạnh, có thể giảm 5,2%. IMF nhận định các nước trong khu vực đang đối mặt với một cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi bắt đầu các thống kê quốc gia vào những năm 1950. Do nền kinh tế Mỹ Latinh theo dự báo sẽ giảm mạnh trong năm nay và tác động của các chính sách được thực hiện nhằm kiểm soát dịch, đà phục hồi mạnh sẽ đến vào năm tới, với điều kiện dịch bệnh được khống chế.

Mối lo ngại Mỹ Latinh có thể trở thành điểm nóng COVID-19 tiếp theo đang ngày càng gia tăng khi các chuyên gia cảnh báo khu vực này vẫn chưa qua đỉnh dịch, tình hình còn diễn biến phức tạp và khó lường trong khi khả năng đối phó của nhiều nước thực sự còn nhiều hạn chế. Các chuyên gia cũng đánh giá Mỹ Latinh sẽ phải mất nhiều thời gian mới có thể khắc phục được những tác động do COVID-19 gây ra. Điều này đòi hỏi các nước trong khu vực phải hợp lực trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.