Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28-6): Nơi sum họp ấm áp yêu thương

Không biết từ bao giờ bữa cơm gia đình đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Đây là nơi các thành viên trong gia đình sum họp, chia sẻ, bày tỏ yêu thương và giáo dục con trẻ văn hóa ứng xử. Bữa cơm vì thế trở thành tâm điểm, nơi gắn kết các thành viên trong gia đình, nơi giáo dục đạo đức, lối sống cho con trẻ.

Biểu tượng đẹp của nếp nhà Việt Nam

Với người Việt Nam, bữa cơm chính là chiếc gương soi phản chiếu hạnh phúc của một gia đình. Đây là thời gian và không gian để mọi thành viên trong gia đình xích lại gần nhau hơn, chia sẻ, trò chuyện sau một ngày làm việc, học tập.

Bữa cơm gia đình không chỉ cung cấp dinh dưỡng để bồi bổ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình mà còn thể hiện sự cẩn thận, tỉ mỉ trong công việc nội trợ của người vợ, người mẹ. Một người phụ nữ khéo léo, một người vợ, người mẹ tâm lý sẽ biết cách cân đối hài hòa giữa các món ăn để bữa cơm gia đình luôn phong phú, hấp dẫn. Như vậy, ngay từ bước đi chợ chuẩn bị bữa cơm đã chứa đựng biết bao yêu thương của người nấu dành cho những người thưởng thức, của những người vợ, người mẹ dành cho chồng con. Điều đó giúp mọi người cảm nhận được sự yêu thương, qua đó đồng cảm và chia sẻ hơn với công việc bận rộn và đầy trách nhiệm mà người phụ nữ của gia đình đang làm mỗi ngày.

 Gia đình trẻ ở Cà Ná (Thuận Nam) hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28-6. Ảnh: Văn Nỷ

Sự đầm ấm, yêu thương trong bữa cơm gia đình được thể hiện rõ nhất trong khi ăn. Quanh mâm cơm gia đình, con cái kể chuyện học hành, bố mẹ kể chuyện công việc. Qua câu chuyện ấy, bố mẹ có dịp lắng nghe con cái, hiểu tâm tư, tình cảm của các con. Vợ chồng thêm yêu thương, cảm thông với những khó khăn, vất vả trong công việc. Bữa cơm vì thế trở thành tâm điểm, nơi gắn kết các thành viên trong gia đình. Từ lúc chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn đến lúc cùng ngồi ăn, thu dọn mâm bát là cả một khoảng trời ấm áp yêu thương. Bữa cơm gia đình dẫu không cao lương mỹ vị nhưng lại chứa chan tình nghĩa, giúp cha mẹ, con cái thêm yêu thương nhau.

Nơi giáo dục đạo đức, lối sống cho con trẻ

Con người ta cần “Học ăn, học nói, học gói, học mở”, thông qua bữa cơm gia đình các bậc phụ huynh có thể dạy con cách “học ăn, học nói”. Cha mẹ có thể giáo dục con sự lễ phép với người trên bằng việc dạy trẻ trước khi ăn phải mời ông bà, bố mẹ. Những trao đổi giữa cha mẹ với con cái liên quan đến chuyện trường, chuyện lớp, chuyện bạn bè sẽ giúp con có thêm kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Bên cạnh đó, việc phụ huynh dạy trẻ trong bữa ăn phải ngồi thẳng và nhai không thành tiếng, ăn chậm rãi từng miếng nhỏ, nhai kỹ không những giúp trẻ hình thành phép lịch sự mà còn giúp trẻ bảo vệ sức khỏe. Mỗi khi trẻ bỏ bữa, ăn uống vương vãi, việc cha mẹ giải thích cho trẻ hiểu vì sao trẻ phải ăn hết thức ăn trong bát, ăn uống gọn gàng, giúp trẻ xây dựng thói quen ngăn nắp, biết trân trọng thành quả lao động.

Ðối với những gia đình có nhiều thế hệ, việc cha mẹ gắp thức ăn, hiếu kính với người già trong bữa cơm sẽ giúp con trẻ noi gương, thêm yêu thương người thân trong gia đình. Với gia đình có con lớn, thông qua việc cha mẹ hướng dẫn các con nấu nướng, nội trợ, con cái sẽ học được những đạo đức truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.

Không chỉ cung cấp năng lượng giúp các thành viên trong gia đình lao động, học tập, bữa cơm gia đình còn chứa đựng trong nó những giá trị tinh thần, tình cảm sâu sắc, là “sợi chỉ đỏ” kết nối yêu thương giữa những người thân trong gia đình. Thế nhưng, ngày nay, Do công việc bận rộn cùng sự tiện lợi của nhiều nhà hàng, quán ăn nhanh, số bữa cơm cả nhà ăn cùng nhau ở nhà ngày càng thưa dần; vợ chồng, con cái không có thời gian hỏi han, chia sẻ; mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng vì thế ngày càng lỏng lẻo, dễ dẫn đến sự nghi kỵ, mất niềm tin, hôn nhân đổ vỡ.

Có thể thấy, dù xã hội phát triển tới đâu thì những giá trị truyền thống tốt đẹp luôn tồn tại mãi, trong đó, bữa cơm gia đình luôn chiếm một vị trí quan trọng. Chính những phút giây cả nhà gặp nhau trong bữa cơm là niềm hạnh phúc ấm áp yêu thương, là nơi gợi mở những suy nghĩ và hành động cho ngày mai, cho tương lai của từng thành viên trong gia đình. Do vậy, việc duy trì bữa cơm gia đình ấm áp sau một ngày làm việc trong mỗi gia đình Việt ngày nay là điều cần thiết và là một nét văn hóa truyền thống cần được gìn giữ và phát huy.

Theo TTXVN