Kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Những diễn biến phức tạp cùng tính chất khó lường của đại dịch COVID-19 đã khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo về một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy trên quy mô toàn cầu, đi kèm với những dự báo ảm đạm hơn về triển vọng kinh tế thế giới. IMF cũng nhận định tình hình kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro trước nguy cơ làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.

Bức tranh ảm đạm

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới đưa ra ngày 24-6, IMF cho biết đại dịch COVID-19 đã gây ra một “cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy trên quy mô toàn cầu”, khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sụt giảm 4,9% trong năm 2020, là mức sụt giảm lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai và làm biến mất 12.000 tỷ USD trong 2 năm.

Theo IMF, Mỹ sẽ ghi nhận tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm tới 8%, thay vì mức dự báo 5,9% được đưa ra trước đó. Đây sẽ là mức giảm sâu nhất kể từ khi sau năm 1945, bởi chỉ trong 10 tuần dịch COVID-19 tàn phá, số lượng người Mỹ mất việc đã vượt con số 40 triệu. Tất cả các ngành công nghiệp của Mỹ đều chịu tác động, khiến GDP quý I giảm tới 4,8%, cao hơn bất cứ dự đoán nào được đưa ra trước đó và báo hiệu những khó khăn chồng chất trong những quý tiếp theo.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sụt giảm 4,9% trong năm 2020.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Richard Clarida thừa nhận nước Mỹ đang trải qua giai đoạn khủng hoảng tồi tệ nhất với tỷ lệ thất nghiệp cao nhất từ những năm 40 của thế kỷ trước. Đến nay, vẫn chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đã đáp ứng được những điều kiện mà các chuyên gia y tế đưa ra để có thể sẵn sàng bước vào giai đoạn tiếp sau cuộc chiến chống COVID-19. Giới chuyên gia lo ngại số ca tử vong tại Mỹ có thể lên tới 150.000 người, khi dịch bệnh vẫn đang lây lan tại  nhiều bang. IMF dự báo nền kinh tế số một thế giới sẽ phục hồi ở mức 4,5% trong năm tới, song những rủi ro hiện nay cùng tác động sâu rộng của COVID-19 sẽ khiến kinh tế Mỹ phải mất thời gian dài mới có thể thực sự phục hồi trở lại như trước khi đại dịch bùng phát.

Tại Châu Âu, các nước đang khẩn trương mở cửa lại biên giới nội khối, khởi động nền kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản vẫn bị ảnh hưởng trong những tháng tới. IMF vẫn hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Eurozone, từ âm 8% xuống âm 10,2% trong năm 2020. Nền kinh tế Eurozone được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2021 với mức tăng trưởng đạt 6%, cao hơn mức tăng 3,3% trong dự báo tháng 4-2020.

Để giải quyết khủng hoảng, Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất thành lập quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro (843 tỷ USD), song vấn đề này đang vấp phải sự chia rẽ của nhiều nước, đặc biệt trong việc phân bổ khoản ngân sách.

Tại Mỹ Latinh, nơi hiện đang là tâm dịch của thế giới, tăng trưởng kinh tế có nguy cơ giảm 9,4% trong năm nay, trước khi phục hồi 3,7% năm tiếp theo. Kinh tế Mexico được dự đoán giảm mạnh nhất khi giảm 10,5% trong năm nay; tiếp theo là kinh tế Argentina với mức giảm 9,9%, kinh tế Brazil  giảm 9,1%. Ngoài ra, định chế tài chính này nhận định GDP của Argentina, Brazil và Mexico sẽ giảm tương ứng 3,9%, 3,6% và 3,3% trong năm 2021.

Trong khi đó, Nga và Saudi Arabia được dự báo tăng trưởng âm 6,6% và 6,8% trong năm nay. Nhật Bản sẽ suy thoái ở mức 5,8%. Còn Ấn Độ, IMF đã cắt giảm mạnh triển vọng tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ trong năm tài chính hiện tại, từ 1,9% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua xuống mức âm 4,5% do lệnh phong tỏa kéo dài và tốc độ hồi phục kinh tế chậm hơn. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất của Ấn Độ trong vài thập niên.

Điểm sáng duy nhất trong danh sách dài các nền kinh tế được IMF theo dõi là Trung Quốc với dự báo sẽ đóng góp 1% cho tăng trưởng toàn cầu trong năm nay và thậm chí là 8% trong năm tới. Do khống chế thành công dịch bệnh sớm hơn so với phần còn lại của thế giới, Trung Quốc đã mở cửa lại kinh tế từ tháng 4, với số ca nhiễm mới duy trì ở mức thấp.

Còn tiềm ẩn nhiều rủi ro

Trên thực tế, sau nhiều nỗ lực nhằm khống chế dịch lây lan, một số quốc gia và khu vực đã mở cửa trở lại một cách thận trọng nhằm nhanh chóng phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn đang hoành hành nghiêm trọng, làn sóng lây nhiễm thứ hai đang có nguy cơ bùng phát tại nhiều nơi, khiến một số nước đã phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế và phong tỏa.

Theo nhà kinh tế trưởng IMF Gita Gopinath, rủi ro rất lớn là hơn 75% các quốc gia mở cửa trở lại đúng thời điểm dịch bệnh đang lan rộng tại các thị trường mới nổi và nền kinh tế phát triển. Triển vọng phục hồi sau dịch bệnh rất bất trắc vì không thể dự báo hướng phát triển của virus.

Các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại dịch bệnh sẽ gây tổn hại đến thương mại với kim ngạch thương mại toàn cầu sẽ suy giảm dưới mức 12% trong năm nay, và cả kinh doanh khi hoạt động kinh doanh trên toàn cầu bị đình trệ khiến hàng trăm triệu việc làm biến mất. Mức độ suy thoái tại các nền kinh tế phát triển sẽ hơn gấp đôi mức từng chứng kiến trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ cần 25.000 tỷ USD để vượt qua khủng hoảng, song có thể chỉ một phần nhu cầu này được đáp ứng. Nếu như không có giải pháp hiệu quả về dịch tễ, khả năng phục hồi ẩn chứa nhiều rủi ro, tác động đến các lĩnh vực và các quốc gia là không đồng đều. IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trở lại 5,4% trong năm 2021, nhưng chỉ khi mọi chuyện diễn ra theo kịch bản tốt đẹp.

Nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, buộc các quốc gia đóng cửa, khiến các thị trường tài chính chao đảo lần nữa, thì những nước dễ bị tổn thương có nguy cơ rơi vào khủng hoảng nợ, làm suy yếu thêm các nỗ lực phục hồi kinh tế. Theo một kịch bản tồi tệ mà IMF đưa ra, một đợt bùng phát dịch thứ hai xảy ra vào đầu năm 2021, và các biện pháp mới nhằm kiềm chế virus lây lan sẽ không mạnh như trong năm nay. Nhưng dù các chính phủ đã tăng hỗ trợ tài chính, “dịch bệnh sẽ gây ra những thiệt hại lâu dài hơn nữa đối với nguồn cung ứng của các nền kinh tế từ năm 2022, các đơn phá sản gia tăng dẫn tới sự phá hủy vốn, làm giảm tăng trưởng sản xuất và gia tăng thất nghiệp”. Trong trường hợp này, nền kinh tế toàn cầu sẽ chỉ tăng trưởng 0,5% vào năm 2021.

Bên cạnh tác động của dịch bệnh, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, xung đột trong nội bộ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác (OPEC+), cũng như tình trạng bạo loạn xã hội lan rộng đang đặt ra nhiều thách thức khác đối với nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm nghiêm trọng, nhiều nước đã áp dụng chính sách bảo hộ thương mại để bảo vệ việc làm và các ngành công nghiệp nội địa. Tuy nhiên, với thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, các nước đều có sự phụ thuộc lẫn nhau về nguồn cung cùng thị trường xuất khẩu, không một nền kinh tế nào có thể tự mình phục hồi sau đại dịch. Điều quan trọng trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, là các quốc gia cần có sự thống nhất và phối hợp hành động, không chỉ trong kiểm soát dịch bệnh mà cả các biện pháp khôi phục kinh tế-thương mại hậu đại dịch.

Theo TTXVN