Giỗ tổ Hùng Vương, nhớ về cội nguồn

Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba.

Từ bao đời nay, câu ca ấy vẫn in sâu trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam. Và dù ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này, cứ đến ngày Giỗ Tổ, là hàng triệu người con mang dòng máu Việt cùng nhau hành hương hoặc hướng về đất Tổ, thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân tổ tiên với lòng thành kính.

Đông đảo đồng bào cả nước về dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương

Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm là một ngày lễ trọng đại của đất nước. Nhân dân ta tổ chức lễ hội nhằm bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng, các bậc tiền nhân đã có công lao xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc từ ngàn đời. Trải qua biết bao thế hệ nối tiếp nhau, hoạt động tổ chức Ngày Quốc giỗ góp phần giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Lễ Giỗ Tổ là sự ghi nhớ và tôn vinh công lao dựng nước của tổ tiên và cội nguồn dân tộc. Ðây là biểu hiện của một truyền thống đạo đức tốt đẹp mà mỗi người Việt Nam chúng ta luôn tự cảm thấy mình có bổn phận phải thực hiện.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 22/SL-CTN công nhận Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hằng năm. Từ đó đến nay, dù trong những năm tháng kháng chiến cứu nước cũng như sau khi hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, ngày 10 tháng 3 năm nào chính quyền và nhân dân vùng đất Tổ cũng kính cẩn làm lễ dâng hương, có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về dự. Và trong một lần về thăm Ðền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần căn dặn đồng bào, chiến sĩ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Năm 1990, Ðảng và Nhà nước chính thức quyết định lấy Ngày Giỗ Tổ hằng năm là ngày lễ lớn của đất nước. Ðến ngày 23-8-2001, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành Quyết định số 39/2001/QÐ-BVHTT, quy định cụ thể về việc tổ chức lễ Giỗ Tổ trên cả nước. Theo văn bản này, lễ Giỗ Tổ được tổ chức vào Ngày Quốc giỗ mồng 10 tháng 3 âm lịch tại nơi thờ tự chính thức của các Vua Hùng (Khu di tích lịch sử Ðền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ). Trong ngày lễ này, nhân dân ở khắp mọi miền đất nước, người Việt Nam ở nước ngoài có thể hành hương về miền Ðất Tổ để cúng giỗ. Còn tại các đền thờ Vua Hùng và những nhân vật có công với đất nước dưới thời đại Hùng Vương, cộng đồng người Việt ở trong nước cũng như sinh sống ở nước ngoài, tùy theo điều kiện từng địa phương, con cháu có thể tổ chức nghi thức giỗ vọng, cùng hướng về vùng trung du phía bắc - nơi đặt đền thờ các Vua Hùng để khấn vọng, tưởng nhớ đến tổ tiên, cội nguồn chung của cả dân tộc.

Hình tượng Hùng Vương là sự hun đúc của truyền thống văn hóa cao đẹp, là đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên chỉ có trong văn hóa Việt Nam, được gìn giữ suốt mấy nghìn năm lịch sử. Người Việt đi tới đâu, khi dựng nhà, lập làng cũng luôn ghi nhớ Dù ai đi ngược về xuôi - Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba. Giỗ Tổ Hùng Vương là một hoạt động mang tính truyền thống, có ý nghĩa giáo dục đối với toàn thể nhân dân Việt Nam. Ðó là sự khẳng định lòng yêu nước, hướng về tổ tiên, hướng về cội nguồn, là động lực tinh thần góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân cùng vượt qua những gian lao, khắc nghiệt của chiến tranh, thiên tai, khó khăn...; củng cố niềm tin cho cộng đồng để cùng nhau hướng tới tương lai, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh và phồn vinh.