Chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu ở một số tỉnh, thành phố phía Nam và Tây Nguyên, tại tỉnh ta, hơn một tháng nay, nhiều người dân đã chủ động đến các cơ sở tiêm ngừa dịch vụ để tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu.

Từ đầu tháng 7 đến nay, tại Phòng tiêm chủng Safpo (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), trung bình mỗi ngày có khoảng 40 lượt người đến tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu cho cả người lớn và trẻ em. Chị Huỳnh Thị Tiến, ở xã Hộ Hải (Ninh Hải) chia sẻ: Qua theo dõi tin tức thời sự, được biết bệnh bạch hầu đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương trong nước, đã có một số ca tử vong. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa có ca nào mắc bệnh, nhưng bản thân tôi cũng có phần lo lắng, do đó đã động viên chồng và đưa 2 con cùng đi tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Người dân tiêm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu - uốn ván tại phòng tiêm chủng Safpo.

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Hoàng, ở xã Phước Sơn (Ninh Phước) cũng chủ động đến phòng tiêm chủng Safpo để tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh bạch hầu. Anh chia sẻ: “Nhà tôi có 2 đứa con nhưng may là các cháu đã tiêm đủ vắc-xin 5 trong 1 theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước rồi, chỉ có vợ chồng tôi chưa tiêm. Vì vậy, hôm nay vợ chồng tôi xuống đây tiêm vắc-xin Td phòng bệnh bạch hầu-uốn ván, 85.000 đồng/mũi để phòng bệnh cho yên tâm thì cũng hợp lý”.

Không riêng người lớn, số lượng trẻ em từ 2-24 tháng tuổi được đưa đến các cơ sở dịch vụ tiêm ngừa vắc-xin 6 trong 1 phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi, viêm màng não do vi khuẩn Hib cũng tăng mạnh. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, ở phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) chia sẻ: Bé nhà mình đã tiêm 3 mũi vắc-xin 6 trong 1 rồi, đến lịch tiêm mũi nhắc lại lần 1 thì đúng vào thời điểm dịch COVID-19 nên gia đình cũng lo ngại chưa đưa bé đi tiêm được. Đến nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, lại đang diễn biến bệnh bạch hầu tại một số tỉnh nên mình tranh thủ đưa bé đi tiêm, may mà còn vắc-xin.

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Tiêm vắc-xin là biện pháp tối ưu nhất trong phòng bệnh bạch hầu, do vậy ngành y tế rất hoan nghênh tinh thần chủ động phòng bệnh của người dân. Nhờ thực hiện tốt công tác tiêm chủng nên khoảng 20 năm nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh bạch hầu nào. Năm 2019, Trung tâm đã triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván – bạch hầu cho 13.368 trẻ em trên địa bàn. Dự kiến trong tháng 8-2020, Trung tâm tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván – bạch hầu cho khoảng 12.000 trẻ em 7 tuổi. Do đó, người dân không quá lo lắng đổ xô đi tiêm phòng trong giai đoạn này vì có thể gây khan hiếm vắc-xin tại các phòng tiêm dịch vụ. Tôi khuyến cáo với người dân nên đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch và đủ mũi tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước. Ngoài ra, người dân cần thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân và nhà cửa; che miệng khi ho, hắt hơi; hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh; nếu nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.