Động lực phát triển kinh tế từ phong trào thi đua yêu nước

Xác định thi đua yêu nước là động lực thúc đẩy phát triển, thời gian qua tỉnh ta đã chú trọng đẩy mạnh phong trào Thi đua yêu nước. Chính từ phong trào thi đua đã lan tỏa tinh thần quyết tâm, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đưa tỉnh nhà phát triển mạnh trên lĩnh vực kinh tế.

Năm năm qua, thực hiện phong trào thi đua yêu nước trong bối cảnh có nhiều khó khăn, tình hình khô hạn và dịch bệnh COVID-19 xảy ra, nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, khắc phục khó khăn, đẩy mạnh các hoạt động kinh tế phát triển như: Cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút, chọn lựa những nhà đầu tư lớn, có năng lực đầu tư sản xuất kinh doanh vào các lĩnh vực có thế mạnh trên địa bàn tỉnh. Trên nền tảng đó, các phong trào thi đua đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế trên các lĩnh vực, đặc biệt là các nhóm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh như: Năng lượng sạch, Du lịch, Nông- lâm- thủy sản, sản xuất chế biến.

Với tinh thần thi đua sản xuất, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam (Thuận Nam) đã được đầu tư, góp phần
xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia. Ảnh: Phan Bình

Trong quá trình thi đua đã hiện thực hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội dựa trên 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột, lĩnh vực năng lượng sạch đang phát huy vai trò tiên phong với tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm đạt mức trên 24%/năm. Với 31 dự án điện mặt trời và 5 dự án điện gió đặt mốc hoàn thành vào cuối 2020, Ninh Thuận sẽ có hơn 2.000MW điện, sản lượng điện đạt 3,5 tỷ KWh, tăng hơn 2,3 tỷ KWh so với năm 2015 và hướng tới mục tiêu trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của quốc gia. Cùng với đó, Ninh Thuận đã đón đầu làn sóng đầu tư của các thành phần kinh tế tư nhân trong phát triển năng lượng tái tạo ngay sau khi Chính phủ ban hành các cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo. Cùng với lĩnh vực năng lượng, ngành du lịch tỉnh nhà cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Trong 5 năm qua, Ninh Thuận đã thu hút gần 10 triệu lượt khách, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng 18,9%/năm, tạo bước đột phá cho cả giai đoạn 2015-2020. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào phát triển cơ sở hạ tầng du lịch có số vốn đăng ký đạt trên 27.600 tỷ đồng và tiềm năng của du lịch Ninh Thuận vẫn còn rất lớn trong thời gian tới.

Được coi là trụ cột kinh tế thứ 3 của tỉnh, 5 năm qua lĩnh vực nông, lâm, thủy sản cũng có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Mặc dù liên tục chịu ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, nhưng với định hướng của tỉnh và nỗ lực vượt khó, người dân đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, hiệu quả gắn với ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất với nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao được thực hiện. Các mô hình cánh đồng lớn, tưới tiết kiệm nước, liên kết hợp tác trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm được triển khai nhân rộng. Nhờ đó, năng suất, sản lượng của các cây trồng chính tăng qua từng năm và hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Đến nay, giá trị sản xuất đạt 125,5 triệu đồng/ha đất trồng trọt, tăng 30,8 triệu đồng/ha so với năm 2015.

Diện mạo thôn Phước Nhơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải) ngày càng thay đổi. Ảnh: Văn Miên

Một điểm sáng khác trong phong trào thi đua yêu nước của tỉnh là phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”. Những năm qua, với không khí thi đua sôi nổi với sức lan tỏa mạnh, các cấp, ngành, đoàn thể đã tham gia ủng hộ, nhiệt tình, tích cực. Công tác tổ chức, triển khai thực hiện phong trào được thực hiện đồng bộ, rộng khắp với nhiều nội dung phù hợp, sát với thực tế và tạo sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 28 xã đạt chuẩn NTM, bình quân đạt 15,5 tiêu chí/xã; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện đáng kể. Đối với cấp huyện, đến nay, huyện Ninh Phước đang chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định công nhận huyện Nông thôn mới.

Với sự phát triển vượt bậc của các ngành kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã phát huy tính chủ động sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt kết quả cao trong sản xuất – kinh doanh. Các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp lớn đã khẳng định vai trò đầu tàu trong thực hiện nghĩa vụ thuế, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển và đảm bảo an sinh xã hội. Nhờ đó, kết quả thu ngân sách 5 năm qua đạt 14.938 tỷ đồng, tăng bình quân 12,8%/năm. Riêng năm 2019, thu ngân sách 4.273 tỷ, đạt 180% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao và hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Thuận lần thứ XIII đề ra. Qua đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm của doanh nghiệp, của công dân đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nhìn lại 5 năm qua, với sự phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, sự hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành trung ương, trên lĩnh vực kinh tế của tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng GRDP bình quân 10,2%/năm, quy mô kinh tế tăng hơn 2 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015; thu ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, cao hơn mục tiêu đề ra là 3.000 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,74%. Những kết quả đáng phấn khởi trong thời gian qua là động lực tạo thêm sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy cao độ truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, lập những thành tích mới trong những giai đoạn tiếp theo.