Khó khăn trong giải ngân nguồn vốn ODA

Ninh Thuận là một trong 4 tỉnh được Ngân hàng Thế giới và các tổ chức phi chính phủ tài trợ vốn không hoàn lại và vốn vay ưu đãi để triển khai nhiều dự án mang ý nghĩa thiết thực đến đời sống người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc, khiến việc giải ngân nguồn vốn ODA chậm so với kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh (Ban), hiện nay Ban đang gặp khó khăn trong giải ngân nguồn vốn ODA ở 2 dự án có vốn tài trợ, với tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng. Trong đó, dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải - Tiểu dự án Tp. Phan Rang - Tháp Chàm (MTBV) có tổng mức đầu tư 1.962 tỷ đồng và dự án Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả (WB3) có tổng mức đầu tư 230 tỷ đồng. Qua quá trình triển khai, đến thời điểm hiện nay dự án MTBV, chỉ giải ngân 158 tỷ, đạt 8%; riêng kế hoạch vốn năm 2020 giao 362 tỷ, đã giải ngân 53 tỷ, đạt 15%, kế hoạch giải ngân còn lại trong năm 2020 là 65 tỷ, đạt 18%. Dự án WB3 chỉ giải ngân được 81 tỷ, đạt 35%; riêng kế hoạch vốn năm 2020 giao 140 tỷ, đã giải ngân 24 tỷ, đạt 18%, kế hoạch giải ngân còn lại trong năm 2020 là 13 tỷ, đạt 10%.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện khu tái định cư Dự án Môi trường bền vững.

Dự án MTBV được ký Hiệp định vào tháng 12-2017, nhưng bị vướng các quy định của Luật Đầu tư công nên đến năm 2019 mới bắt đầu được triển khai. Thời gian còn lại để hoàn thành dự án chỉ còn 28 tháng; trong khi đó, theo tính toán về mặt tiến độ giải ngân và hoàn thành các phần việc còn lại của dự án cần khoảng thời gian là 39 tháng, vậy nên khả năng hoàn thành các mục tiêu đề ra theo Hiệp định đang là thách thức lớn đối với lãnh đạo Ban.

Qua làm việc với lãnh đạo Ban, chúng tôi được biết, mặc dù dự án được triển khai chậm, nhưng về cơ bản với nguồn vốn được tài trợ nếu thuận lợi thì việc giải ngân các nguồn vốn cơ bản vẫn đáp ứng các quy định của Hiệp định. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Các hộ có đất nằm trong diện giải tỏa không chịu giao mặt bằng đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ dự án cũng như công tác giải ngân.

Ông Nguyễn Khoa Danh, Giám đốc Ban, cho biết: Vốn thì có nhưng không có mặt bằng để triển khai, nên không có tiến độ và khối lượng để giải ngân. Nguyên nhân giải phóng mặt bằng chậm là do việc xây dựng chính sách chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, một số hộ trong các vùng dự án có những đòi hỏi về chính sách một cách bất hợp lý, nên chưa thống nhất việc bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân mà người dân chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng đó là khu tái định cư cho các hộ dân trong vùng dự án chưa đáp ứng yêu cầu của người dân. Dự án tái định cư được triển khai với quy mô 239 hộ, nhưng thực tế đã tăng lên hơn 550 hộ, điều này có nghĩa số lượng hộ tái định cư phát sinh trong quá trình triển khai lớn hơn cả số lượng tính toán ban đầu khiến việc bố trí các hộ tái định cư phát sinh không thể thực hiện.

Có thể nói, cả 2 dự án đều có ý nghĩa quan trọng đến việc tạo nên bộ mặt của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, cũng như góp phần rất lớn đến việc đảm bảo vệ sinh môi trường, sức khỏe của cho người dân. Việc giải ngân chậm các nguồn vốn sẽ dẫn đến việc phải hoàn vốn cho nhà tài trợ, khiến dự án không thể hoàn thành và kéo theo nhiều hệ lụy về an sinh xã hội cũng như các vấn đề liên quan khác. Theo ông Nguyễn Khoa Danh, để giải ngân nguồn vốn ODA của các dự án một cách hiệu quả, đúng theo tiến độ, thì rất cần sự chung tay vào cuộc hỗ trợ của các ban, ngành liên quan, địa phương trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh cũng cần quan tâm hơn đến công tác chỉ đạo các ban, ngành phối hợp cùng với Ban giải quyết các vấn đề liên quan đến việc xây dựng cơ chế chính sách; chỉ đạo công tác vận động, hướng dẫn nhân dân chấp hành và đồng thuận các chính sách trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng; tổ chức đối thoại trực tiếp để nghe tâm tư, nguyện vọng người dân, nhằm có phương án giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án. UBND Tp. Phan Rang – Tháp Chàm cần tiếp tục chỉ đạo UBND các phường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương của tỉnh, chấp hành bàn giao mặt bằng.