Chiến dịch can thiệp quân sự vào Li-bi bước sang tháng thứ hai

Tứ bề khốn khó

Liên quân đã đánh dấu trong một tháng bắt đầu chiến dịch “Bình minh Odyssey” bằng các cuộc không kích ác liệt nhằm vào thủ đô Tri-pô-li và thành phố Xơ-tê của Li-bi. Tuy đã oanh tạc không ngừng nghỉ trong thời gian qua, nhưng xem ra chiến dịch can thiệp quân sự của phương Tây đang lâm vào cảnh tứ bề khốn khó khi bước vào tháng thứ hai.

Lời cam kết hỗ trợ lực lượng chống chính phủ lật đổ nhà lãnh đạo M. Ca-đa-phi (M. Kadahfi) đã khiến các nước phương Tây dính líu vào Li-bi lâm vào thế khó trên cả phương diện quân sự, chính trị và ngoại giao. Dù NATO đã liên tục oanh kích lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Ca-đa-phi trong một tháng qua, lực lượng chống chính phủ hiện vẫn chỉ chiếm giữ được thành phố Ben-ga-di, một số thành phố ở miền Đông. Ở miền Tây, lực lượng chống chính phủ chỉ kiểm soát được duy nhất thành phố Mi-xra-ta. Các cuộc không kích đã phá hủy một số phương tiện của quân chính phủ nhưng không thể hỗ trợ được nhiều cho phe chống chính phủ do lực lượng này được tổ chức quá yếu kém.

Lãnh đạo các nước Mỹ, Anh, Pháp đã tuyên bố rằng họ sẽ không kết thúc chiến dịch quân sự cho đến khi ông Ca-đa-phi ra đi. “Họ (lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp) đã tự trói mình khi coi chiến thắng là khi ông Ca-đa-phi ra đi. Tôi nghĩ rằng bây giờ họ không có giải pháp quân sự nào. Bây giờ hướng khả dĩ nhất là một giải pháp chính trị”, hãng tin Roi-tơ trích lời ông D. Kê-ô-han (D. Keohane), một chuyên gia của Viện Nghiên cứu an ninh EU.

Người dân Li-bi tuần hành ủng hộ ông Ca-đa-phi. Ảnh: Roi-tơ
 

Theo các chuyên gia, để phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường hiện nay NATO cần phải gia tăng tấn công vào quân chính phủ Li-bi. Tuy nhiên, đây lại không phải là một câu chuyện đơn giản khi Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, 5 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, liên tục chỉ trích hành động quân sự của NATO là nhằm giúp đỡ lực lượng chống chính phủ chứ không phải là để bảo vệ thường dân theo tinh thần Nghị quyết 1973 của Liên hợp quốc.

Chính nội bộ NATO hiện cũng bất đồng về cách thức tăng cường hỏa lực và phá vỡ tình trạng bế tắc trong chiến dịch quân sự tại Li-bi. Giám đốc Viện Nghiên cứu an ninh EU A.Va-xcôn-xê-lốt (A. Vasconcelos) cho rằng, chiến dịch can thiệp quân sự vào Li-bi đã suy yếu do không nhận được sự ủng hộ tích cực của Mỹ. Trước đó, NATO cho biết cần thêm khoảng 9 máy bay tiêm kích chính xác trang bị bom thông minh để tránh gây thương vong dân thường, song cho đến nay Mỹ chưa đưa ra bất cứ cam kết nào để đáp ứng điều kiện này.

Việc NATO muốn giúp phe chống chính phủ bán dầu và mua vũ khí để củng cố lực lượng cũng rơi vào thế bí. Chính lệnh cấm vận Li-bi mà các nước phương Tây vận động Liên hợp quốc thông qua hiện khiến phe chống chính phủ không thể bán được nguồn dầu mỏ mà họ kiểm soát ở miền Đông và không thể tiếp nhận vũ khí. Một phương án mà Anh và Pháp muốn thúc đẩy là “chia đôi lệnh cấm vận” – chỉ cấm vận chính phủ của ông Ca-đa-phi chứ không cấm vận phe chống đối. Tuy nhiên, các quan chức Liên hợp quốc đã cho rằng phương án này khó có thể được Liên hợp quốc chấp nhận vì tính bất hợp lý của nó.

Trong khi các nước phương Tây đang nhọc nhằn tìm lối ra cho cuộc can thiệp vào Li-bi thì cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại vì sự an nguy của thường dân Li-bi. Chính phủ Li-bi liên tục tố cáo các cuộc không kích của NATO đã khiến nhiều thường dân thiệt mạng. Trong một nỗ lực giải quyết tình trạng khủng hoảng nhân đạo, chính phủ Li-bi đã bảo đảm lập một “hành lang an toàn” cho phái đoàn Liên hợp quốc đến thành phố Mi-xra-ta đang có giao tranh và cho phép các nhân viên cứu trợ nhân đạo tiếp cận các khu vực thuộc quyền kiểm soát của lực lượng ủng hộ chính phủ. Người phát ngôn của Chính phủ Li-bi M. I-bra-him (M. Ibrahim) tuyên bố, chính phủ sẵn sàng tạo điều kiện cho các tổ chức quốc tế thực hiện các hoạt động cứu trợ dân thường và để cho họ tận mắt chứng kiến những điều đang xảy ra tại Mi-xra-ta.

- Ngày 19-3, liên quân bắt đầu không kích các mục tiêu tại Li-bi với lý do thiết lập “vùng cấm bay” để bảo vệ dân thường theo Nghị quyết 1973 của Liên hợp quốc.

- Ngày 25-3, sau khi Mỹ tuyên bố không giữ vai trò dẫn đầu chiến dịch “Bình minh Odyssey”, NATO đã đồng ý nhận vai trò chỉ huy.

- Ngày 10 và 11-4, phái bộ Liên minh châu Phi (AU) đã gặp ông Ca-đa-phi và đại diện của phe chống chính phủ. Tuy nhiên, trong khi ông Ca-đa-phi đồng ý với lộ trình hòa bình của AU thì phe chống chính phủ lại bác bỏ.

- Ngày 15-4, lãnh đạo các nước Anh, Pháp và Mỹ cùng tuyên bố tương lai của Li-bi không thể gắn liền với ông Ca-đa-phi. Trong khi đó, Nga cho rằng NATO đã vượt quá sự ủy quyền của Liên hợp quốc.

- Ngày 17-4, Anh tuyên bố sẽ không sử dụng bộ binh tại Li-bi.

- Ngày 18-4, EU cho biết đã phác thảo kế hoạch sơ bộ triển khai binh sĩ tới Mi-xra-ta để bảo vệ hoạt động cứu trợ, nếu được Liên hợp quốc yêu cầu.

 

Ủy ban Hòa bình Việt Nam, Ủy ban Việt Nam Đoàn kết và Hợp tác Á Phi Mỹ La-tinh, Ủy ban Việt Nam Đoàn kết với nhân dân Li-bi đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại sâu sắc trước tình hình đang diễn ra tại Li-bi; chia sẻ trước những tổn thất mà nhân dân Li-bi đang phải chịu đựng; yêu cầu chấm dứt ngay các hành động quân sự; kêu gọi các bên ngừng bắn, thúc đẩy các hoạt động đối thoại, tìm giải pháp hòa bình phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia, không để tạo ra những tiền lệ tiêu cực trong quan hệ quốc tế, vì lợi ích của nhân dân Li-bi, hòa bình và ổn định ở khu vực và thế giới.


(Theo QĐNDO)