“Mái ấm” của những người già neo đơn

Tọa lạc bên bờ biển làng Khánh Hội, 19 năm qua, cơ sở Dưỡng lão Từ Ân, xã Tri Hải (Ninh Hải) trở thành “mái nhà chung” giúp cho nhiều cụ cao tuổi neo đơn, không người phụng dưỡng có cuộc sống vui, khỏe tuổi già.

Xuất phát từ niềm thương cảm đối với những hoàn cảnh người già neo đơn, khó khăn, không có người thân chăm sóc, năm 2001, Ni sư Thích Nữ Diệu Tâm cố trụ trì chùa Pháp Hải thành lập cơ sở dưỡng lão Từ Ân. Sau khi Ni sư qua đời (tháng 9-2012), sư cô Thích Nữ Chân Thể phụ trách cơ sở. Cơ sở dưỡng lão hiện có 8 phòng, mỗi phòng được trang bị đầy đủ giường, đồ dùng, có nhà vệ sinh riêng biệt. Hiện tại Cơ sở dưỡng lão Từ Ân đang là "mái nhà chung" của 12 người trong đó có 11 cụ già và em Chamaléa Quyền, một học sinh được các sư cô nhận nuôi từ lúc 1 tuổi. Đến nay, sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, Quyền được các sư cô động viên học tiếp ngành sửa chữa điện để trang bị thêm kiến thức cho tương lai. Là cha ruột của Quyền, cũng là một trong những cụ sống ở cơ sở dưỡng lão, ông Katơr Phân, thôn Bà Râu, xã Lợi Hải (Thuận Bắc) xúc động chia sẻ: 19 năm trước, vợ tôi không may mất sớm để lại hai con nhỏ là Chamaléa Quyền và Chamaléa Kim (5 tuổi), gia cảnh nghèo khó nên ba cha con ông xin vào tá túc ở cơ sở. Ở đây chúng tôi không chỉ được chăm lo miếng ăn, giấc ngủ mà các con tôi còn được đi học đàng hoàng. Cơ sở dưỡng lão Từ Ân chính là mái ấm đúng nghĩa của cha con tôi. 

Các cụ ở cơ sở dưỡng lão Từ Ân được tận tình chăm sóc, tạo niềm vui trong cuộc sống.

Hơn 70 tuổi cụ Đóa mới có những ngày tháng thảnh thơi, ý nghĩa của tuổi già. Cụ tâm sự: Vốn không chồng, không con, không người thân thích tôi tha hương khắp nơi nay đây mai đó, cuộc sống bế tắc, chán chường. May mắn thay khi đến cơ sở dưỡng lão tôi được các sư cô ở đây chăm sóc chu đáo, tận tình, lại có người bầu bạn sớm hôm, tôi mừng lắm. Đa số các cụ già ở đây đều có hoàn cảnh éo le, người thì không chồng, không con; người lại bị con cái ruồng bỏ... nhưng khi về đây họ tìm lại được cảm giác đầm ấm của gia đình, sự chia sẻ, đồng cảm của những con người đồng cảnh ngộ, trở thành nguồn động viên to lớn, giúp họ có được niềm vui thực sự trong cuộc sống.

Có dịp đến cơ sở dưỡng lão, nhìn cách sư cô chăm sóc các cụ già, chúng tôi thầm cảm phục sự chịu thương, chịu khó của những con người có tấm lòng từ bi. Bởi các cụ sống ở đây đều đã có tuổi, sinh hoạt khó khăn, lại thường xuyên đau ốm nên việc chăm sóc rất cực nhọc. Sư cô Thích Nữ Hiểu Hạnh, người trực tiếp chăm sóc các cụ ở cơ sở dưỡng lão chia sẻ: Vốn dĩ tuổi già lại cô độc nên tính khí các cụ rất “ẩm ương”, dễ tủi thân, mặc cảm. Để sẻ chia với các cụ, tôi luôn cố gắng gần gũi, động viên để họ cảm nhận tình thương yêu của mình thì mới có thể sống vui, sống khỏe được.

Cùng với tình yêu của các sư cô, các cụ còn được chính quyền địa phương thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà, cấp phát thẻ bảo hiểm y tế miễn phí… yên tâm an dưỡng tuổi già. Chia sẻ với chúng tôi về những dự định trong tương lai, sư cô Thích Nữ Chân Thể cho biết: Với mong muốn được giúp đỡ thêm nhiều mảnh đời bất hạnh, sau khi có đủ nguồn nhân lực, cơ sở sẽ mở rộng nhận nuôi dưỡng thêm những trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi cha mẹ… giúp các em có tương lai tươi sáng hơn.

Với những nỗ lực đầy trách nhiệm và tình thương của các sư cô, cùng sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương đã phần nào vun đắp tinh thần của những cụ ông, cụ bà thiếu thốn tình thân lúc tuổi xế chiều và xoa dịu bệnh tật của những người yếu thế trong xã hội.