Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó để phát triển

Năm 2020, mặc dù còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực cao, Ninh Thuận đã hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục đà tăng trưởng nhanh, đạt ở mức 2 con số và bứt phá ngoạn mục vào top 3 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Đạt được kết quả, có sự đóng góp tích cực, mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp tỉnh nhà.

Nhiều nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp

Mặc dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bị tác động của đại dịch COVID-19, song cộng đồng DN của tỉnh đã nỗ lực, sáng tạo, chủ động điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh thích ứng với tình hình mới, một số DN tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh. Điều đáng ghi nhận trong năm 2020, tiếp tục có số DN thành lập mới tăng cao, với 662 DN, với tổng vốn đầu tư 8.471 tỷ đồng, tăng 25% số DN và tăng gấp 2 lần số vốn so cùng kỳ; nâng tổng số đến cuối năm 2020, có 3.670 DN đang hoạt động với tổng vốn gần 70.000 tỷ đồng. Một số lĩnh vực sản xuất điện, khai khoáng, xây dựng có số DN thành lập mới tăng cao.

Công ty Cổ phẩn Thực phẩm Cánh Đồng Việt đầu tư dây chuyền công nghệ để chế biến sản phẩm nha đam. Ảnh: Văn Nỷ

Trong năm 2020, cùng với việc quan tâm thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, tỉnh đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 26 dự án với tổng vốn đăng ký trên 21.460 tỷ đồng và chấp thuận địa điểm 6 dự án với tổng vốn trên 9.900 tỷ đồng, đầu tư vào các lĩnh vực đột phá, trụ cột về năng lượng tái tạo, du lịch chất lượng cao, kinh doanh bất động sản ...; trong đó, có một số dự án quy mô lớn đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 16.972 tỷ đồng, tăng 22,55% so cùng kỳ; nhiều dự án điện gió, điện mặt trời và Dự án Thủy điện tích năng Bác Ái được đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Cũng trong năm 2020, có 14 dự án điện mặt trời tổng công suất trên 1.073 MW hòa lưới điện quốc gia, nâng tổng số dự án năng lượng tái tạo lên 36 dự án, công suất 2.446,35 MW đã hòa lưới điện quốc gia; trong đó, có 32 dự án mặt trời và 4 dự án điện gió. Đặc biệt, dự án điện mặt trời 450 MW kết hợp đầu tư hạ tầng truyền tải 500 kV và nhiều dự án hạ tầng truyền tải khác cơ bản hoàn thành đã tạo đột phá trong giải quyết tình trạng giảm phát các dự án năng lượng tái tạo, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng chung của tỉnh. Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết: Với sự đồng hành, hỗ trợ của tỉnh, chỉ trong 102 ngày đêm, chúng tôi đã huy động tổng lực, thi công thần tốc, hoàn thành công trình Nhà máy điện mặt trời 450 MW cùng Trạm biến áp và 17 km đường dây truyền tải 500kV đi qua 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Qua đó, đã cơ bản giải tỏa hết công suất các dự án điện trên địa bàn tỉnh.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Với phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, coi thành công của nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh, năm 2020, công tác hỗ trợ phát triển DN trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng. Tiếp nối nỗ lực cải cách hành chính những năm trước đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, thông qua mô hình “một cửa” và “một cửa liên thông” tại các cấp, các ngành, tạo thuận lợi cho DN. Trong năm 2020, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tiếp nhận gần 36.000 hồ sơ thủ tục hành chính của người dân, DN và đã giải quyết, trả kết quả đúng hạn, đạt 99,95%. Kết quả đó đã góp phần quan trọng nâng cao chỉ số cải cách hành chính và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ về xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học - công nghệ được tập trung chỉ đạo triển khai với nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả, góp phần đáp ứng ngày một tốt hơn các nhu cầu của DN.

Thành viên Hợp tác xã nho Evergreen giới thiệu sản phẩm mới tới người tiêu dùng.

Đặc biệt, trong năm 2020, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch COVID-19, UBND tỉnh đã đẩy nhanh các biện pháp hỗ trợ cho DN và người dân gặp khó khăn do đại dịch, thúc đẩy phát triển các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Kịp thời gia hạn thời gian nộp tiền thuế và tiền thuê đất cho 426 DN, số tiền thuế gia hạn trên 69,6 tỷ đồng; giải quyết kịp thời thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng trên 2.260 tỷ đồng cho 56 lượt DN; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 42 DN, 182 tỷ đồng; có 28 DN được tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội cho 459 lao động. Qua đó, thể hiện tinh thần đồng hành với DN của tỉnh, giúp DN, cá nhân kinh doanh vơi bớt những khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với định hướng phát triển rõ ràng, với chính sách đầu tư được mở ra thông thoáng, Ninh Thuận đã tạo được môi trường kinh doanh bình đẳng, hấp dẫn, trở thành thành điểm đến của những nhà đầu tư lớn. Trong lãnh đạo, điều hành, tỉnh đã lắng nghe và hành động hướng về DN với những chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, thiết thực.

Bước sang năm 2021, với tinh thần đổi mới, sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư, lấy sự thành công của DN là sự thành công của tỉnh, Ninh Thuận kỳ vọng sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ bởi làn sóng đầu tư mới với những dự án có giá trị, đưa vùng đất cực Nam Trung Bộ phát triển thịnh vượng và bền vững trong tương lai.