Nông nghiệp làm nên sự khác biệt

Năm 2020, sản xuất nông nghiệp đối diện với khó khăn do những tháng đầu năm hạn hán, cuối năm mưa lớn, nhưng nhờ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) kịp thời ban hành Chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ kế hoạch trọng tâm, nên hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt.

Tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành đạt hơn 11.686 tỷ đồng, tăng 1,2% so với năm 2019; giá trị sản xuất trên một ha đất chủ động nước đạt hơn 125 triệu đồng. Từ triển khai nhiều mô hình có hiệu quả, sản xuất nông nghiệp đã tìm được hướng đi riêng, đó là đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn, làm nên sự khác biệt với việc tạo ra những sản phẩm đặc thù có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Sản phẩm Nho, táo đặc thù của tỉnh được người tiêu dùng tin dùng. Ảnh: Văn Nỷ

Nhìn lại hoạt động sản xuất nông nghiệp năm 2020, điểm sáng là ngành chức năng, các địa phương bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Từ đó, đã làm thay đổi hình thức tổ chức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, sang tập trung có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong chuyển giao khoa học -công nghệ và bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Nhờ làm tốt các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn, công tác chuyển đổi cây trồng cạn cũng đạt được nhiều kết quả. Trong năm 2020 đã chuyển đổi được 1.528 ha cây trồng cạn, vượt 44,57% kế hoạch; trong đó, chuyển đổi từ đất lúa 1.079,9ha, đất khác 448,1ha.

Kết quả thực hiện mô hình cánh đồng lớn đã mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp theo quy mô tập trung, hàng hóa; tiếp tục duy trì và triển khai 30 cánh đồng lớn, tổng diện tích hơn 3.642 ha; trong đó, triển khai mới 6 cánh đồng với diện tích 430 ha. Mặc dù nắng hạn thiếu nước, diện tích gieo trồng giảm mạnh, nhưng nhờ chủ động điều tra phát hiện sinh vật hại ngoài đồng, hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời và có hiệu quả các đối tượng sâu, bệnh hại; điều tiết nước hợp lý và áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến nên năng suất các loại cây trồng đều tăng khá so với năm 2019. Cụ thể, sản lượng nho hơn 26.871 tấn, tăng 5,9%; táo 35.317 tấn, tăng 0,2% so với năm 2019.

Lĩnh vực chăn nuôi phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đến nay, tổng đàn gia súc trên toàn tỉnh là 465.000 con, tăng 2,3% so với năm 2019. Nông dân đang chuyển dần từ chăn thả tự nhiên sang nuôi nhốt tại các vùng nuôi tập trung gắn với việc cải tạo nâng cao chất lượng đàn, chủ động nguồn thức ăn và kết nối với doanh nghiệp phát triển các chuỗi liên kết sản xuất.

Cánh đồng cừu thu hút du khách đến Ninh Thuận trải nghiệm khám phá.

Nhờ có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước, kết hợp với thương hiệu Tôm giống Ninh Thuận có uy tín, nên các vùng nuôi tôm trong cả nước đã đặt mua lượng giống tăng cao nhất từ trước tới nay, với 42,684 tỷ con giống, tăng 23,8% so với năm 2019. Công tác chỉ đạo khai thác hải sản và thông tin ngư trường luôn kịp thời và hiệu quả, sản lượng khai thác đạt 118.690 tấn, tăng 4,5% so với năm 2019. Các dự án nông nghiệp công nghệ cao bước đầu cho sản phẩm góp phần nâng cao giá trị sản xuất của ngành, năng suất các loại cây trồng vượt kế hoạch và tăng khá so với năm 2019.

Trong lần về làm việc với tỉnh ta vào đầu tháng 9-2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao về những quyết sách của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tạo đà phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đã biến những khó khăn về thời tiết nắng hạn để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù có giá trị kinh tế. Sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh Ninh Thuận đã vào được các siêu thị trên toàn quốc, được người tiêu dùng đón nhận nhờ vào chất lượng cao đều có nguyên cơ từ chủ trương phát triển nông nghiệp sạch của tỉnh.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2021 ngành Nông nghiệp tập trung cơ cấu lại ngành thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển, nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm nước khoảng 200 ha; chuyển đổi cơ cấu cây trồng khoảng 1.500 ha; duy trì và xây dựng mới từ 5 đến 7 liên kết sản xuất; xây dựng 11 vùng sản xuất VietGAP, thu hút và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại quy mô công nghiệp, bán công nghiệp, nâng cao chất lượng đàn gia súc đáp ứng yêu cầu công nghiệp chế biến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiếp tục phát huy lợi thế, áp dụng công nghệ cao, kiểm soát chất lượng chặt chẽ để xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.

Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để thực hiện đạt mục tiêu, ngành Nông nghiệp đưa ra giải pháp triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, làm hạt nhân trung tâm liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương đầu tư nâng cấp Bến cá Mỹ Tân, Cảng cá Đông Hải; các công trình thủy lợi trọng điểm như: Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, hồ Sông Than, hồ Kiền Kiền, phối hợp chặt chẽ thúc đẩy sớm triển khai dự án đầu tư hệ thống liên thông hồ chứa nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước. Triển khai bản đồ nông hóa thổ nhưỡng để phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, duy trì và phát triển liên kết sản xuất cánh đồng lớn, phát triển các mô hình, đối tượng cây trồng mới có lợi thế, còn dư địa, có giá trị gia tăng cao như nho, táo, măng tây xanh gắn với các chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn đảm bảo kịp thời, phù hợp tình hình thực tế từng địa phương, với kỳ vọng đưa ngành Nông nghiệp đạt được nhiều thành quả hơn trong thời gian tới.